Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Dịch bệnh truyền nhiễm và nguy cơ lan rộng tại các quốc gia
Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan.
Sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, bao gồm giao lưu thương mại, du lịch quốc tế và di dân, đã làm tăng nguy cơ lây lan nhanh chóng của các bệnh truyền nhiễm giữa các khu vực và quốc gia. Ngoài ra, các yếu tố như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy giảm tỷ lệ tiêm chủng, và sự gia tăng tình trạng kháng kháng sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Không chỉ các bệnh mới nổi như virus Marburg hay đậu mùa khỉ (mpox), mà ngay cả các bệnh truyền nhiễm quen thuộc như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản hay cúm mùa cũng có nguy cơ trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn.
Trong năm 2024, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của một số dịch bệnh nổi bật, trong đó có hai dịch bệnh đáng chú ý là bệnh Marburg và đậu mùa khỉ (mpox).
Bệnh Marburg
Marburg là một bệnh đặc biệt nguy hiểm do vi rút Marburg gây ra, với khả năng lây truyền cao và tỷ lệ tử vong dao động từ 50% đến 88%. Bệnh hiện chưa có vắc xin hay thuốc điều trị đặc hiệu và được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam.
Năm 2024, lần đầu tiên Rwanda ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Marburg, với tổng số 58 ca mắc, trong đó có 13 ca tử vong tính đến tháng 10/2024. Đáng lo ngại, khoảng 70% số ca bệnh là nhân viên y tế, cho thấy nguy cơ lây nhiễm cao trong môi trường chăm sóc sức khỏe. Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát y tế tại cửa khẩu nhằm ngăn chặn nguy cơ vi-rút Marburg xâm nhập.
Bệnh đậu mùa khỉ (mpox)
Ngày 14/8/2024, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh mpox. Cộng hòa Dân chủ Congo là điểm nóng của dịch bệnh này trong năm qua, với hơn 15.600 trường hợp mắc và 537 trường hợp tử vong được ghi nhận.
Dịch bệnh mpox lần này có một số đặc điểm dịch tễ khác biệt so với các đợt dịch trước. Đáng chú ý, khoảng 50% số ca mắc là trẻ em dưới 15 tuổi, trong đó 39% là trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, dịch bệnh còn được ghi nhận trong nhóm mại dâm nữ (7,5%) và lây lan trong các hộ gia đình. Sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh tại các quốc gia giáp ranh như Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda càng nhấn mạnh tính phức tạp của dịch bệnh này.
Tác động toàn cầu và nguy cơ tại Việt Nam
Các bệnh truyền nhiễm không chỉ lây lan nhanh chóng mà còn gây ra gánh nặng lớn về y tế và kinh tế. Chúng có thể làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, ảnh hưởng đến nền kinh tế và làm suy yếu hệ thống y tế tại nhiều quốc gia.
Việt Nam, với vị trí địa lý nằm trong khu vực Đông Nam Á - nơi giao thoa nhiều tuyến đường thương mại quốc tế, không nằm ngoài nguy cơ bị xâm nhập bởi các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, sự gia tăng các hoạt động giao lưu thương mại, du lịch và di chuyển qua biên giới trong mùa lễ hội cuối năm như Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025 đang đến gần làm nguy cơ này càng trở nên rõ rệt.
Nguồn tham khảo
Cục Y tế Dự phòng: https://vncdc.gov.vn/
Công văn số: 4849/BYT-DP ngày 19/8/2024 của Bộ y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.
Công văn số 1006/DP-DT ngày 11/10/2024 của Cục y tế dự phòng về việc tăng cường kiểm dịch y tế, năng lực xác định với bệnh Mác-bớt.