Điểm tin nhanh ngày 12/10/2022
Khi thời tiết chuyển mùa thì bệnh về đường hô hấp là loại bệnh hay gặp nhất mà người cao tuổi mắc phải.
Tác động của rượu đối với sức khỏe phụ thuộc vào tần suất và số lượng tiêu thụ. Mắt đỏ xảy ra do các mạch máu trên bề mặt mắt bị sưng và viêm. Nhờ phát hiện ung thư gan sớm, mổ sớm, bệnh nhân không phải điều trị gì thêm, chỉ tái khám định kỳ...
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 12/10/2022
THẾ GIỚI
1.Số ca mắc tăng trở lại ở nhiều địa phương Trung Quốc, Australia hoãn xóa bỏ bắt buộc cách ly với người nhiễm COVID-19
Đến sáng 12/10, thế giới có trên 627,36 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,56 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Vài ngày gần đây, mỗi ngày Trung Quốc ghi nhận từ 1.800 đến 2.000 ca, kể cả ca không triệu chứng, cao nhất trong 2 tháng qua. Hiệp hội y tế Australia (AMA) đã hoãn thực hiện quyết định xóa bỏ quy định bắt buộc cách ly với các trường hợp mắc COVID-19. AMA khẳng định, hiện còn quá sớm để xóa bỏ quy định bắt buộc này, đồng thời cảnh báo quyết định này nếu được triển khai sẽ làm bùng phát làn sóng dịch COVID-19 mới.
Nguồn: vtv.vn
2.Những tác động tiêu cực lâu dài của việc uống rượu với sức khoẻ
Tác động của rượu đối với sức khỏe của bạn phụ thuộc vào tần suất và số lượng tiêu thụ. Đó là lý do tại sao có những kết quả tiêu cực lâu dài liên quan đến việc uống rượu. Dưới đây là 5 tác dụng phụ lâu dài của việc uống rượu do các chuyên gia sức khỏe liệt kê: Tăng cân; Gây rối loạn hormone; Tác động đến chất lượng giấc ngủ; Tác động xấu tới sức khỏe tim mạch; Gây hại cho gan.
Nguồn: suckhiedoisong.vn
3.5 nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị mắt đỏ
Ngoài những thay đổi về thị lực, nhiều người nhận thấy có điều gì đó không ổn với đôi mắt khi họ nhận thấy mắt mình đỏ hoặc “đỏ ngầu”. Điều này có thể là do bạn quá mệt mỏi và ngủ không ngon giấc, hoặc thậm chí nó có thể là một trong những dấu hiệu sớm nhất của một số tình trạng sức khỏe. 5 nguyên nhân phổ biến là: Viêm kết mạc do virus; COVID-19; Dị ứng; Kính áp tròng; Hội chứng khô mắt.
Nguồn: thanhnien.vn
VIỆT NAM
1.Người cao tuổi dễ mắc bệnh về đường hô hấp, vì sao?
Khi sức đề kháng yếu đi thì mọi loại bệnh tật có thể tấn công dễ dàng hơn, nhất là khi thời tiết chuyển mùa là yếu tố thuận lợi bởi các virus, vi khuẩn, nấm phát triển. Bên cạnh đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào khiến đường hô hấp gây tổn thương các nhu mô phổi, do đó, làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Một số người mắc bệnh mạn tính kéo dài như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp hơn. Do đó, để phòng bệnh người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa, thường xuyên vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hàng ngày và bỏ thuốc lá.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2.7 năm vượt qua ung thư gan nhờ bỏ ý định trốn mổ
Anh Trần Văn Hợi choáng váng khi nhận kết quả ung thư gan cách đây 7 năm, khi mới 44 tuổi, từng có ý định trốn viện về nhà vì sợ đụng dao kéo sẽ càng nhanh chết. Nhờ phát hiện bệnh sớm, mổ sớm, anh không phải điều trị gì thêm, chỉ tái khám định kỳ, tiếp tục uống thuốc viêm gan B. Bác sĩ Lâm Trung Hiếu, hiện phụ trách Khoa Chăm sóc giảm nhẹ khuyến cáo bệnh nhân tầm soát sức khỏe định kỳ, đi khám khi có các dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm bệnh, có nhiều cơ hội điều trị khỏi như anh Hợi. Khi chẳng may mắc bệnh, cần tin tưởng, thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ, chữa trị sớm nhất có thể, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất giúp cơ thể chống chọi bệnh tật.
Nguồn: vnexpress.net
3. Sai lầm chết người khi sơ cứu trẻ đuối nước
Chỉ trong vòng một tuần, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phải tiếp nhận 3 trẻ đuối nước trong tình trạng nguy kịch, có trường hợp không qua khỏi. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách. Do đó, trong các trường hợp trẻ đuối nước, sau khi đưa nạn nhân lên bờ, dù tỉnh hay bất tỉnh, người xung quanh cần cấp cứu ngay tại chỗ.
Nguồn: zingnews.vn
4. Cảnh báo tình trạng nhiễm toan lactic khi dùng Metformin điều trị đái tháo đường
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ (79 tuổi, trú tại Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ) vào viện vì mệt mỏi, khó thở. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm và vẫn duy trì dùng thuốc điều trị đều đặn (Metformin 2.000mg/ngày).
Khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2022, metformin không dùng khi mức lọc cầu thận thấp hơn 30 ml/phút và cần giảm liều khi mức lọc cầu thận thấp hơn 45 ml/phút. Người bệnh đái tháo đường cần được khám sức khỏe định kỳ và điều chỉnh phác đồ kiểm soát đường máu phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
Nguồn: vtv.vn
Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)