Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Điểm tin nhanh ngày 04/07/2022
Các chuyên gia tiêm chủng và dịch tễ khuyến cáo việc tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao, còn việc tiêm mũi bổ sung - không phải là mũi 3 giúp hoàn thành miễn dịch cơ bản.
Theo nghiên cứu của Mỹ, biến thể BA.4 và BA.5 đều được cho là lây lan nhanh hơn các dòng phụ gây bệnh chủ đạo trong các làn sóng trước. Móng tay bị vàng là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp, tiểu đường còn móng sưng phồng có khả năng do bệnh tim, ung thư. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới và xu hướng tuổi "trẻ hóa"...
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 04/07/2022
THẾ GIỚI
1.Số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh, nhiều nước cân nhắc tái áp dụng quy định đeo khẩu trang
Đến sáng 4/7, thế giới có trên 554,28 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,36 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Giới chức Pháp đã "khuyến khích" hoặc "khuyến nghị" người dân quay lại sử dụng khẩu trang. Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố, quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ được khôi phục nếu như dịch bùng phát trên diện rộng.
Nguồn: vtv.vn
2.Thế giới lo ngại về biến thể phụ BA.4 và BA.5
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ), biến thể BA.4 và BA.5 đều được cho là lây lan nhanh hơn các dòng phụ gây bệnh chủ đạo trong các làn sóng trước. Hai biến thể này có khả năng kháng thuốc cao hơn biến thể chủ đạo trước đây là BA.2.12.1, dẫn đến gia tăng số ca mắc mới, ngay cả với những người đã được tiêm đầy đủ vaccine.
Nguồn: sggp.org.vn
3.Nhìn móng tay chẩn đoán bệnh
Nếu móng tay có một sự thay đổi bất thường, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bất ổn sức khỏe. Móng tay bị ố vàng có thể đơn giản do sơn móng quá lâu. Nhưng nếu bạn không sơn, móng tay đổi màu có nguy cơ là triệu chứng của bệnh tuyến giáp. Mặt khác, vệt sọc trên móng tay là một trong những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nhất. Trong một số trường hợp, đó là triệu chứng của u hắc tố dưới móng, là ung thư da bên dưới móng tay. Móng tay sưng phồng có thể do xơ nang, bệnh tim, Crohn, các bệnh ung thư. Móng màu vàng và dày lên, đây là dấu hiệu của người mắc tiểu đường lâu năm, nhưng có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh.
Nguồn: vietnamnet.vn
VIỆT NAM
1.Cần biết: Sự khác nhau giữa tiêm vaccine COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3
Các chuyên gia tiêm chủng và dịch tễ khuyến cáo việc tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao, tăng lượng kháng thể trước biến thể Omicron, trong đó có biến thể phụ mới nhất- BA.5; Còn việc tiêm mũi bổ sung - không phải là mũi 3 giúp hoàn thành miễn dịch cơ bản. Cụ thể, TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu rõ: Mũi bổ sung dành cho đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các vaccine mà bằng chứng cho thấy cần phải tiêm thêm mới đạt miễn dịch cơ bản (ví dụ Vaccine Vero Cell, Sputnik V); Còn mũi nhắc lại là mũi tăng cường, thường tiêm sau 3-4 tháng sau các mũi cơ bản để duy trì miễn dịch ở mức cao.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2.Triệu chứng căn bệnh khiến 10.000 người Việt tử vong mỗi năm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, Việt Nam có trên 172.000 người mắc bệnh lao, 10.400 người tử vong. Bệnh lây lan qua không khí khi một người hít phải vi khuẩn do người bệnh ho, hắt hơi phát tán ra. Lao thường ảnh hưởng đến phổi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, đặc biệt là dạ dày, xương và hệ thần kinh. Các triệu chứng chính của bệnh lao bao gồm: Ho dai dẳng và đôi khi có đờm kéo dài hơn 3 tuần, có thể có máu, giảm cân, đổ mồ hôi đêm, sốt cao, mệt mỏi, ăn mất ngon, sưng cổ.
Nguồn: vietnamnet.vn
3.Tại sao người ung thư ngày càng trẻ?
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới và xu hướng tuổi "trẻ hóa". Ngoài ung thư gan, phổi, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ung thư vú ở tuổi thanh niên - bệnh trước đây thường gặp ở tuổi trung niên. Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) cho biết lối sống lười vận động, ngồi văn phòng, lệ thuộc máy tính, điện thoại, đi ngủ muộn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối... Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều.
Nguồn: vnexpress.net
4.Chữa vết chai bàn chân như thế nào
Trường hợp chai chân do sử dụng giày dép chật, bạn chỉ cần thay đổi kích cỡ và chọn loại giày dép phù hợp. Bệnh nhân bị cứng khớp, hạn chế vận động khớp nên lựa chọn các loại giày đi bộ, sử dụng lót giày mềm làm giảm áp lực tì đè cũng sẽ giảm nguy cơ chai chân. Ở giai đoạn đầu, để trị chai chân có thể ngâm chân với nước muối ấm mỗi ngày 30 phút làm mềm vùng da bị chai. Massage vùng da bị chai để da mềm, giảm đau. Không được tự ý đâm chọc, cắt gọt vết chai. Thoa kem dưỡng, tránh đi chân đất để bảo vệ da chân. Đối với các tổn thương chai dày cứng gây đau và khó khăn khi vận động, cần đến bệnh viện để được gọt bỏ.
Nguồn: vnexpress.net
Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)