Điểm tin nhanh ngày 24/06/2022
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4.
Hơn 3.200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và một ca tử vong đã được báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới. Nghiên cứu mới của các chuyên gia Mỹ chỉ ra rằng việc sử dụng chiết xuất nấm hằng ngày có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch loại bỏ virus papilloma (HPV) ở người. Bệnh nhân nam 45 tuổi, cơ địa dị ứng, viêm gan B bị lở loét toàn thân sau khi tự dùng thuốc chữa dị ứng tại nhà...
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 24/06/2022
THẾ GIỚI
1.COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại ở nhiều nước, nguy cơ biến chứng thần kinh ở trẻ chưa tiêm vaccine
Đến sáng 24/6, thế giới có trên 547,12 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,34 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Nghiên cứu mới nhất của Khoa Y Đại học Hong Kong cho biết, trẻ nhỏ, chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, khi bị nhiễm biến thể BA.2 của Omircon dễ gặp biến chứng thần kinh hơn trẻ bị nhiễm virus cúm.
Nguồn: vtv.vn
2.Số ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu tăng lên hơn 3.200 trường hợp
Hơn 3.200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và một ca tử vong đã được báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới trong đợt bùng phát hiện nay. "Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm" là mức cảnh báo cao nhất của WHO. Hiện 48 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát mới hiện nay, bắt đầu diễn ra vào tháng 5.
Nguồn: vtv.vn
3.Tìm ra phương pháp điều trị tiềm năng cho các bệnh nhân nhiễm HPV
Nghiên cứu mới của các chuyên gia Mỹ chỉ ra rằng việc sử dụng chiết xuất nấm hằng ngày có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch loại bỏ virus papilloma (HPV) ở người. Trong nghiên cứu giai đoạn II, bệnh nhân trong nhóm điều trị được bổ sung hợp chất AHCC chiết xuất từ nấm trong 6 tháng và sau đó dùng giả dược trong 6 tháng tiếp theo. Kết quả nghiên cứu cho thấy 14 trong số 22 bệnh nhân (hơn 63%) trong nhóm được điều trị đã âm tính với HPV.
Nguồn: vtv.vn
4.Tìm ra liệu pháp mới điều trị ung thư máu ở trẻ em
Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Tampere của Phần Lan đã hợp tác với Viện Tế bào gốc Harvard, Mỹ phát triển một liệu pháp mới điều trị bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính (ALL) - một căn bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em. Liệu pháp điều trị nói trên kết hợp các loại thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả đối với 1/3 số bệnh nhân mắc căn bệnh này. Giám đốc Nghiên cứu Olli Lohi thuộc Trường Đại học Tampere cho biết: “Đây là một lựa chọn điều trị mới đầy hứa hẹn cho bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T. Bước tiếp theo là đưa phát hiện này vào thử nghiệm lâm sàng đối với những bệnh nhân mắc bệnh tái phát hoặc khó chữa trị”.
Nguồn: sggp.org.com
VIỆT NAM
1.Các địa phương tiêm chậm dồn lực, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4
Thời gian qua, mặc dù ngành y tế các địa phương đã hết sức nỗ lực trong công tác thực hiện tiêm chủng, tuy nhiên do tâm lý chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều đối tượng đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng việc tiêm mũi 3 và 4 là không cần thiết! Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2.Loét toàn thân do tự bôi thuốc chữa dị ứng
Bệnh nhân nam 45 tuổi, cơ địa dị ứng, viêm gan B bị lở loét toàn thân sau khi tự dùng thuốc chữa dị ứng tại nhà. Bác sĩ Lương Thị Tuyết Anh, Khoa Da liễu cho biết thuốc đưa vào cơ thể có thể gây nên tình trạng phản ứng quá mẫn do dị ứng, riêng bệnh nhân có tiền sử dị ứng trên nền viêm gan B càng nặng nề. Việc lạm dụng thuốc nam, tự ý mua thuốc về dùng không theo đơn của các y bác sĩ chuyên khoa, hoặc không biết các tác dụng phụ của thuốc rất nguy hiểm.
Nguồn: vnexpress.net
3.Bệnh viêm não Nhật Bản và biện pháp phòng ngừa
Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 25% ở các nước nhiệt đới và 50% người bệnh có các di chứng thần kinh – tâm thần. Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng bệnh chung, ở nông thôn là vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi và thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch.
Nguồn: suckhoedoidong.vn
Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)