Điểm tin nhanh ngày 22/05/2022
Dịch bệnh tay chân miệng gia tăng ở phía Nam. Bộ Y tế hướng dẫn các việc nên làm để tránh tình trạng 'sương mù não' của hậu COVID-19. Gần đây, ngày càng nhiều những câu chuyện đau lòng về trầm cảm, hay thậm chí là tự tử ở học sinh xuất hiện, là hồi chuông cảnh báo cho thực trạng sức khỏe tâm thần của trẻ em và trẻ vị thành niên cần được quan tâm đúng cách nhiều hơn.
Đến sáng 22/5, thế giới có trên 526,93 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,299 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Bộ Y tế Phillipines (DOH) thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron tại nước này. WHO dự báo số ca nhiễm đậu mùa khỉ sẽ tăng.
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 22/5/2022
THẾ GIỚI
1. Philippines ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4, nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp 18 lần với Omicron
Đến sáng 22/5, thế giới có trên 526,93 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,299 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Ngày 21/5, Bộ Y tế Phillipines (DOH) thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron tại nước này. Bệnh nhân là một công dân Philippines vừa tới Trung Đông vào đầu tháng 5. Theo DOH, bệnh nhân không có triệu chứng và đã về Philippines vào ngày 4/5. Người này đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khoảng 4 ngày sau đó.
Nguồn vtv.vn
2. WHO dự báo số ca nhiễm đậu mùa khỉ sẽ tăng
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo sẽ có thêm các ca bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện khi cơ quan này mở rộng tầm theo dõi tại các nước mà bệnh này không thường xuất hiện
Bệnh đậu mùa khỉ đang bất ngờ xuất hiện ở nhiều nước châu Âu và một số nước khác ngoài khu vực truyền thống ở châu Phi, khiến giới chuyên gia y tế tỏ ra lo ngại.
Thông tin có được cho thấy việc lây lan từ người sang người đang diễn ra giữa người tiếp xúc gần với ca bệnh có triệu chứng. Bên cạnh đó, các chuyên gia nói rằng bệnh đang có vẻ lây lan qua đường tình dục. Có nhiều ca bệnh được phát hiện tại các cơ sở sức khỏe giới tính.
Nguồn mthanhnien.vn
3. Cuộc săn lùng thủ phạm gây viêm gan bí ẩn
Đã 7 tháng kể từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện, các chuyên gia y tế trên toàn cầu vẫn chưa thể biết nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn là gì. Họ chỉ có thể bám vào hai giả thuyết.
Hai nghi phạm lớn nhất trong cuộc điều tra nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn hiện nay là adeno và nCoV. Nhưng vai trò của Covid-19 trong trường hợp này khiến nhiều chuyên gia cảm thấy mâu thuẫn.
Nguồn: zingnews.vn
4. Giấc ngủ con người ngắn đi do tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tình trạng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu đang khiến giấc ngủ của nhiều người trên thế giới bị ngắn đi.
một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy, tình trạng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu, đang làm gia tăng nhiệt độ ban đêm, thậm chí còn nhanh hơn so với ban ngày. Điều này đang gây ra tình trạng khó ngủ, khiến giấc ngủ của nhiều người trên thế giới bị ngắn đi.
Phân tích cho thấy, người dân toàn cầu trung bình đã mất 44 giờ ngủ mỗi năm, tương đương với 11 đêm ngủ chưa đủ 7 tiếng đồng hồ - mức tiêu chuẩn để xem là ngủ đủ.
Nguồn vtv.vn
VIỆT NAM
1. Sáng 22/5: Bộ Y tế hướng dẫn các việc nên làm để tránh tình trạng 'sương mù não' của hậu COVID-19
Bộ Y tế thông tin đến nay đã có gần 9,4 triệu người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, hiện còn hơn 1,27 triệu người đang giám sát, điều trị. Bộ Y tế hướng dẫn các việc nên làm để tránh tình trạng 'sương mù não' của hậu COVID-19…
Tình trạng 'sương mù não' thường trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, nghĩa là người sau mắc COVID-19 càng mệt mỏi thì càng nhận thấy có nhiều khó khăn hơn đối với khả năng suy nghĩ của mình.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2. Dịch bệnh tay chân miệng gia tăng ở phía Nam
Ngày 21-5, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM).
Nhằm chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất ca mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.
Nguồn: saigongiaiphong.org.vn
3. Khi trẻ bị 'phơi nhiễm' về tâm lý
Gần đây, ngày càng nhiều những câu chuyện đau lòng về trầm cảm, hay thậm chí là tự tử ở học sinh xuất hiện, là hồi chuông cảnh báo cho thực trạng sức khỏe tâm thần của trẻ em và trẻ vị thành niên cần được quan tâm đúng cách nhiều hơn.
Người lớn cũng phải tìm cách để tự giúp mình, học cách lắng nghe bản thân, chuyển hóa những sự căng thẳng, lo âu, những nỗi đau vốn âm ỉ bấy lâu nay bị khuếch đại bởi dịch bệnh. Khi đó, họ không những giúp được cho trẻ, mà người hưởng lợi đầu tiên là chính mình.
Nguồn mbaophapluat.vn
4. Tập dưỡng sinh: Người cao tuổi được lợi gì và cần lưu ý điều gì?
Đối với người cao tuổi, sức khoẻ thể chất luôn là mối bận tâm được ưu tiên hàng đầu. Ngoài các môn thể thao nhẹ như đi bộ, thiền, yoga thì tập dưỡng sinh được "các cụ" lựa chọn nhiều nhất.
Tập dưỡng sinh chính là bí quyết giúp người cao tuổi duy trì sự dẻo dai của cơ bắp, bôi trơn các khớp và hỗ trợ máu lên não để trí tuệ luôn minh mẫn.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Đình Lễ, Thùy Uyên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)