Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Điểm tin nhanh ngày 23/05/2022


Khi có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám và hướng dẫn điều trị cụ thể.

Đến sáng 23/5, thế giới có trên 527,45 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,3 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Có khả năng xuất hiện biến thể COVID-19 mới ở châu Phi, Indonesia chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Việt Nam, Bộ Y tế chỉ 4 triệu chứng của bệnh sán lá gan nhỏ do thói quen ăn gỏi cá. Giám sát chặt chẽ bệnh đậu mùa khỉ để kịp thời ứng phó...

 

Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 23/5/2022

 

THẾ GIỚI

1.Có khả năng xuất hiện biến thể COVID-19 mới ở châu Phi, Indonesia chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu

Đến sáng 23/5, thế giới có trên 527,45 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,3 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), Ahmed Ogwell cảnh báo, một biến thể mới của COVID-19 có thể sẽ sớm xuất hiện ở châu Phi. Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của cơ quan này, ông Ogwell nói rằng, "sự gia tăng số trường hợp nhiễm bệnh là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, có khả năng rất lớn rằng một biến thể mới dễ lây lan hơn sẽ xuất hiện".

Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy khẳng định, quốc gia này "rất lạc quan" chuyển từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây đã cho phép người dân không mang khẩu trang, đặc biệt là ở các địa điểm ngoài trời. Trong 3 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã giảm về tổng thể, dù còn tăng ở một số thành phố như Jakarta. Tuy nhiên, sự gia tăng này không theo "cấp số nhân".

Nguồn: vtv.vn

 

2.WHO: Đại dịch Covid-19 chắc chắn chưa kết thúc

Hơn 100 Bộ trưởng Y tế thế giới đã nhóm họp  trực tiếp tại Geneva, Thụy Sỹ lần đầu tiên trong 3 năm. Phát biểu tại đại hội, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, số ca nhiễm Covid-19 vẫn đang gia tăng và nỗ lực tiêm chủng trên thế giới vẫn chưa hoàn thành. Ông nhấn mạnh dịch Covid-19 không thể kết thúc ở bất cứ đâu cho đến khi nó bị thanh toán hoàn toàn. Hiện số ca mắc đang gia tăng ở gần 70 quốc gia trong tất cả các khu vực.

Nguồn: vov.vn

 

3.Virus Adeno là giả thuyết hàng đầu đối với bệnh viêm gan nặng ở trẻ em tại Mỹ

Việc nhiễm virus Adeno, loại virus phổ biến ở trẻ em, là giả thuyết hàng đầu đối với các ca viêm gan nặng không rõ nguyên nhân gần đây ở Mỹ, khiến ít nhất 6 trẻ tử vong. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đang tiếp tục điều tra xem 180 trường hợp mắc viêm gan bí ẩn được xác định ở 36 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ kể từ tháng 10/2021 có thể hiện sự gia tăng tỷ lệ viêm gan ở trẻ em hay không, hay việc phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh hiện nay là do công tác xét nghiệm diễn ra phổ biến hơn.

Nguồn: vtv.vn

 

4.Thượng Hải khôi phục một phần giao thông công cộng, duy trì tình trạng cảnh báo COVID-19 cao độ

Bốn trong số 20 tuyến tàu điện ngầm, 273 tuyến xe bus đã được mở lại. Một số tuyến tàu điện ngầm đã phải dừng phục vụ từ cuối tháng 3, những chuyến khác muộn hơn, trong khi các dịch vụ giao thông lẻ vẫn tiếp tục diễn ra nhưng với số điểm dừng bị hạn chế. Thành phố 25 triệu dân này dự kiến ​​sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn thành phố và trở lại cuộc sống bình thường kể từ ngày 1/6. Hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại sẽ vẫn được áp dụng trong tháng 5 này.

Nguồn: vtv.vn

5. WHO họp khẩn về nguy cơ bùng phát dịch bệnh mới

Sau hàng loạt ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia, WHO họp khẩn, lo ngại virus hiếm gặp này sẽ gây ra làn sóng dịch mới. Các quan chức y tế cảnh báo tình trạng lây lan có thể ngày càng nhiều hơn bởi thực tế một số ca bệnh bị lây nhiễm qua quan hệ tình dục đồng giới, nhiều người không nhận ra mình có triệu chứng bệnh. Hầu hết người mắc là nam giới quan hệ tình dục đồng tính và khi có các mụn mủ, họ tới điều trị ở các phòng khám sức khỏe tình dục. Theo ông Kluge, điều này cho thấy sự lây lan có thể đã xuất hiện một thời gian.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số triệu chứng đặc hiệu giúp bác sĩ phân biệt bệnh đậu mùa thông thường và đậu mùa khỉ. Khi người bệnh bị sốt, đặc trưng của virus đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, khởi phát sau 1-3 ngày. Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể.

Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua quá trình từ rát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch) sau đó là mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo. Bệnh có thể bị nhầm lẫn về mặt lâm sàng với các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như giang mai, herpes hoặc virus varicella zoster.

 

Nguồn: giadinh.net.vn

 

VIỆT NAM

1.Bộ Y tế chỉ 4 triệu chứng của bệnh sán lá gan nhỏ do thói quen ăn gỏi cá

Bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan gây nên tổn thương đường mật, túi mật và các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm. Trong đó, 4 triệu chứng thường gặp là: Rối loạn tiêu hóa; Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút; Đau tức hạ sườn phải, đôi khi có kèm theo vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp bị sạm da; Gan có thể sưng to dưới bờ sườn, mềm, mặt nhẵn và tiến triển chậm, lúc này có thể đau điểm túi mật. Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh sán lá gan, không nên ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín...

Nguồn: suckhoedoisong.vn

2.Những điều cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Theo ThS. BS Trương Văn Quý, trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện mệt mỏi, sốt tùy mức độ từ nhẹ đến sốt cao 39-40 độ. Sau đó xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2 - 3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Trong quá trình chăm sóc, nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Ngoài ra có thể chườm ấm cho trẻ cũng góp phần giảm thân nhiệt và giảm số lần dùng thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó cần chú ý giữ vệ sinh và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Theo dõi nếu trẻ có các biểu hiện như: Sốt cao trên 39 độ, hạ sốt không giảm, trẻ li bì, giật mình, run tay chân, yếu liệt chi, tím tái… thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

3.Giám sát chặt chẽ bệnh đậu mùa khỉ để kịp thời ứng phó

Liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện tại một số quốc gia trên thế giới với nhiều người mắc, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó. Căn bệnh đậu mùa khỉ này nhẹ hơn so với bệnh đậu mùa trước đây (phát hiện ở người năm 1970 nhưng bệnh chỉ khu trú ở khu vực Trung Phi và Tây Phi). Cho tới năm 2019-2020, một số nước trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp mắc đậu mùa khỉ nhưng đều có liên quan tới 2 khu vực lưu hành bệnh trên. Tuy nhiên, từ tháng 5-2020, nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ nhưng chưa xác định có liên quan tới vùng lưu hành bệnh hay không.

Nguồn: sggp.org.vn

 

Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)


Câu hỏi liên quan