Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Điểm tin nhanh ngày 01/09/2022
Các chuyên gia cho biết người tái nhiễm COVID-19 hai, ba lần vẫn có thể gặp triệu chứng nặng và nguy cơ hậu COVID-19.
Bắt đầu từ ngày 3/9, Hàn Quốc sẽ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh. Tuy chất bột đường là thành phần chủ yếu gây tăng đường huyết nhưng với người đái tháo đường nói chung không phải kiêng tuyệt đối chất bột đường. Các bệnh lý về thận – tiết niệu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể dẫn tới vô sinh nếu không điều trị kịp thời...
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 01/09/2022
THẾ GIỚI
1.Nhật Bản thúc đẩy tiêm chủng phòng biến thể mới
Bắt đầu từ giữa tháng 10, Nhật Bản sẽ tiêm chủng vaccine đặc hiệu với biến thể Omicron cho người dân. Bên cạnh việc tiêm chủng cho người lớn, Nhật Bản cũng thúc đẩy tiêm chủng mũi 3 vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em ở lứa tuổi từ 5-11 tuổi. Theo đó, vaccine của Pfizer sẽ được sử dụng, liều lượng bằng 1/3 so với người lớn, điều kiện tiêm mũi ba ở lứa tuổi này là đã tiêm mũi 2 ít nhất là 5 tháng.
Nguồn: vtv.vn
2.Bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh Hàn Quốc
Bắt đầu từ ngày 3/9, Hàn Quốc sẽ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh. Quy định mới sẽ được áp dụng với mọi đối tượng nhập cảnh, bất kể tình trạng tiêm chủng hoặc quốc gia khởi hành. Tuy nhiên, theo quy định mới, du khách vẫn cần phải làm xét nghiệm PCR trong vòng 24 giờ ngay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc.
Nguồn: vtv.vn
3.Tái mắc COVID-19 có thật sự nhẹ nhàng?
Nếu đã tiêm vaccine được tiếp xúc với nCoV trước đây, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động hiệu quả vào những lần tiếp theo, khiến các triệu chứng nhẹ hơn. Các chuyên gia cho rằng tái mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ vẫn có thể để lại hậu quả. Nghiên cứu cho thấy người tái nhiễm có nguy cơ tử vong, nhập viện và gặp di chứng không nhỏ. Họ có thể bị suy nội tạng, tim mạch, gặp vấn đề về thần kinh, tiểu đường sau mắc bệnh. Dữ liệu liên bang Mỹ cho thấy khoảng một phần 5 người trưởng thành nhiễm nCoV sẽ phát triển các triệu chứng kéo dài, bao gồm mệt mỏi, rối loạn chức năng nhận thức, đau mỏi mạn tính,...
Nguồn: vnexpress.net
VIỆT NAM
1.4 nhóm thuốc kê đơn, sẽ rất nguy hiểm nếu dùng không đúng
Khi dùng thuốc đúng, hợp lý… sẽ giúp điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu dùng không thích hợp, không đúng mục đích, thuốc sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe, đặc biệt là 4 nhóm thuốc kê đơn như: 1.Thuốc opioid theo toa như oxycodone, hydrocodone và fentanyl… thường được sử dụng để giảm đau, hay còn gọi là thuốc giảm đau opioid; 2.Benzodiazepines là một nhóm thuốc an thần được kê toa cho nhiều loại bệnh - đặc biệt là lo lắng và mất ngủ; 3.Các loại thuốc kích thích như methylphenidate, amphetamine và dextroamphetamine… có thể làm tăng sự tỉnh táo, chú ý, năng lượng, huyết áp, nhịp tim và nhịp thở; 4.Steroid androgen đồng hóa là loại thuốc kê đơn có thể được sử dụng để điều trị các vấn đề về nội tiết tố (như dậy thì muộn) và các bệnh gây mất cơ (như trong bệnh AIDS và ung thư)…
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2.Bị tiểu đường có cần kiêng tuyệt đối chất bột đường?
Tuy chất bột đường là thành phần chủ yếu gây tăng đường huyết sau ăn nhưng với người đái tháo đường nói chung và người cao tuổi đái tháo đường nói riêng không phải kiêng tuyệt đối chất bột đường. Các khuyến cáo đã chỉ ra rằng: nên cung cấp tối thiểu trong khẩu phần ăn mỗi ngày ≥ 130-150 g chất bột đường (3 lưng bát cơm + 200g trái cây/ ngày) hoặc tùy theo các tình trạng dinh dưỡng và các bệnh cùng mắc cho người cao tuổi đái tháo đường.
Nguồn: vov.vn
3.Những người cần sớm đi kiểm tra thận, tiết niệu
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm Thận – Tiết niệu và Lọc máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay những người tiếp xúc với dung môi hữu cơ có thể gây viêm cầu thận, công nhân nhuộm aniline và cao su có tỷ lệ mắc ung thư đường tiết niệu tăng, tiếp xúc lâu dài với chì và cadimi có thể gây tổn thương thận. Đây là những người nên đi kiểm tra thận, tiết niệu. Bên cạnh đó, những người từng phát hiện bệnh thận; sỏi tiết niệu hoặc đã điều trị can thiệp về sỏi tiết niệu… cũng nên đi khám. Người đã mắc hoặc vào nằm viện vì bệnh lý nhiễm trùng, sốt rét, xơ gan, lao phổi, điều trị ung thư, các bệnh máu, u lympho cần đi khám để phát hiện bệnh lý về thận, tiết niệu...
Nguồn: vietnamnet.vn
4. Cả nước đã có 70 ca tử vong do sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, tính đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 179.000 ca mắc sốt xuất huyết, 70 người tử vong.
Theo thống kê tổng hợp từ các địa phương, trong tuần 34/2022, cả nước ghi nhận 8.891 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số mắc sốt xuất huyết tuần này giảm 18,1%. Trong đó, số nhập viện là 6.784 trường hợp, so với tuần trước (8.347 trường hợp nhập viện) số nhập viện giảm 18,7%.
Nguồn: vtv.vn
Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)