Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Điểm báo ngày 07/01/2021
THẾ GIỚI
1. Nhà tang lễ tại California quá tải
Tại những điểm nóng Covid-19 ở Nam California, các nhà tang lễ buộc phải từ chối gia đình bệnh nhân vì không còn chỗ trống.
Hiệp hội các Nhà tang lễ cho biết tình trạng quá tải đang xảy ra ở hầu hết các nhà xác, khi số người tử vong do Covid-19 đã chạm mức 360.000 người và vẫn tiếp tục tăng.
Bob Achermann, giám đốc điều hành của Hiệp hội Giám đốc Nhà tang lễ California, cho biết toàn bộ quá trình lấy giấy chứng tử, xử lý xác, chôn cất và hỏa táng đã bị chậm lại. Thông thường, hỏa táng diễn ra trong vòng một hoặc hai ngày, nhưng hiện tại phải mất ít nhất một tuần, thậm chí lâu hơn.
Achermann nói: "Khối lượng công việc khổng lồ và các nhà tang lễ lo sợ họ sẽ không thể theo kịp tiến độ. Điều tồi tệ nhất vẫn đang ở phía trước".
Theo số liệu của Đại học John Hopkins, trong tuần đầu năm 2021, Mỹ ghi nhận trung bình 2.637 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày, tức là cứ 33 giây có một người chết. Nỗ lực tiêm chủng cho 20 triệu người trước khi kết thúc năm 2020 đã thất bại, Mỹ đối mặt với thách thức lớn trong chống dịch.
Tháng 12/2020 được coi là tháng chết chóc nhất nước Mỹ kể từ khi virus bùng phát, với hơn 77.000 người thiệt mạng. Các ca tử vong được dự đoán sẽ tăng lên trong thời gian tới, khi số bệnh nhân nhập viện cao hơn.
https://vnexpress.net/nha-tang-le-tai-california-qua-tai-4217069.html
2. Các nước làm gì để chặn biến thể mới của virus corona?
Biến thể mới, dễ lây lan hơn của virus corona được phát hiện đầu tiên ở Anh đã khiến nhiều nước vội vã đóng cửa biên giới để chặn sự lây lan.
Ít nhất 33 quốc gia đã phát hiện sự hiện diện của biến thể mới này. Dù đã có vắc-xin nhưng tình hình trong tháng 1 trên toàn cầu vẫn u ám khi virus corona bùng phát trở lại và tái định hình từ Anh tới Nhật, Mỹ, lấp đầy bệnh nhân vào các bệnh viện, đe dọa cuộc sống, buộc chính phủ các nước phải dừng các hoạt động kinh doanh và chạy đua tìm giải pháp.
Ở các quốc gia khác tại châu Âu, Italia và Đức đã kéo dài phong tỏa dịp Giáng sinh, Tây Ban Nha hạn chế đi lại, Đan Mạch hạn chế số người tập trung nơi công cộng từ 10 xuống còn 5 người. Pháp sẽ công bố các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn vào ngày mai (7/1), Ukraina cũng đóng cửa trường học và nhà hàng từ ngày 8/1.
Tại khu vực Mỹ Latinh, một số chuyên gia cảnh báo tình trạng tồi tệ sẽ sớm xảy ra. Để ngăn chặn virus corona lây lan sau các bữa tiệc và hoạt động chào đón năm mới bất chấp các quy định giãn cách xã hội, Zimbabwe đã tái áp dụng lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập nơi công cộng và tạm thời chưa mở cửa lại các trường học. Tại Nam Phi - nơi đang đối mặt với những biến thể mới của virus và là nước bị đại dịch Covid-19 tấn công mạnh nhất lục địa, nhà chức trách đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm bán rượu và đóng cửa hầu hết các bãi biển.
Đại dịch Covid-19 đang vươn xa tới cả những nước dường như đã kiểm soát được virus corona.
Thái Lan đang đối mặt với số ca lây nhiễm tăng trong vài tuần qua. Hiện, chính phủ nước này đã phong tỏa nhiều khu vực, gồm cả Bangkok và đang cân nhắc áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn.
Nhật Bản cũng đang xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong tuần này, đẩy mạnh kiểm soát biên giới và phê chuẩn vắc-xin sau khi các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt vào thời điểm cuối năm vừa qua.
Tại Trung Quốc, nhà chức trách đóng cửa trường học sớm hơn mọi năm trước thềm Tết âm lịch và yêu cầu lao động di cư không về quê, du khách tránh tới Bắc Kinh.
3. Các phản ứng dị ứng sau khi tiêm liều đầu tiên của vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 tại Mỹ
Tính đến ngày 3 tháng 1 năm 2021, tổng số 20.346.372 trường hợp mắc bệnh COVID-19 và 349.246 trường hợp tử vong liên quan đã được báo cáo tại Mỹ. Tính đến ngày 23 tháng 12 năm 2020, 1.893.360 liều vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 đầu tiên đã được sử dụng tại Hoa Kỳ với 4.393 (0,2%) trường hợp có các tác dụng phụ sau tiêm. Trong số này, 175 trường hợp đã được xác định để xem xét thêm, vì các trường hợp này có thể có phản ứng dị ứng nghiêm trọng bao gồm: 21 trường hợp được xác định là sốc phản vệ (tỷ lệ 11,1 trên một triệu liều dùng); 86 trường hợp được đánh giá là phản ứng dị ứng không phản vệ; 61 trường hợp được coi là phản ứng phụ không gây dị ứng và 7 trường hợp vẫn đang được theo dõi.
Các địa điểm sử dụng vắc xin COVID-19 cần tuân thủ hướng dẫn của CDC về việc sử dụng vắc xin COVID-19 như: sàng lọc trước tiêm, có sẵn dụng cụ và thuốc cần thiết để xử trí phản vệ, thực hiện các thời gian theo dõi sau tiêm chủng được khuyến nghị và điều trị ngay các trường hợp nghi ngờ bị sốc phản vệ với tiêm bắp epinephrine.
https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/70/wr/mm7002e1.htm?s_cid=mm7002e1_x
4. Chuyên gia Nga lo phải làm vắc xin mới chống virus corona biến thể
Trong một kịch bản xấu mà chuyên gia Nga hình dung, virus sẽ tự biến đổi và lây lan theo cách giống như bệnh cúm và có thể cần phải phát triển một loại vắc xin mới và tiến hành tiêm chủng lại.
Hãng tin RIA Novosti của Nga trích dẫn ý kiến của một số nhà khoa học nước này cho rằng trong năm 2021, đại dịch COVID-19 ở Nga có thể phát triển theo hai kịch bản.
Nếu virus SARS-CoV-2 ở Nga không đột biến, dịch bệnh sẽ giảm bớt sau khi phần lớn dân số có được khả năng miễn dịch. Trong trường hợp virus SARS-CoV-2 đột biến, sẽ cần một loại vắc xin mới để ngừa COVID-19.
Phó giáo sư Sergei Voznesensky (Trường đại học Hữu nghị các dân tộc) giải thích rằng kịch bản đầu tiên chỉ có thể xảy ra nếu không có đột biến đáng kể nào của virus SARS-CoV-2. Với kịch bản lạc quan này, COVID-19 có thể bị đánh bại sau khi tiến hành tiêm chủng hàng loạt trên cả nước, đồng thời một bộ phận dân số đã có kháng thể sau khi bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và tự khỏi.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng cho rằng về lý thuyết, kịch bản xấu hơn có thể xảy ra khi có các đột biến đáng kể của virus SARS-CoV-2. Theo ông, trong kịch bản này virus sẽ tự biến đổi và lây lan theo cách giống như bệnh cúm và có thể cần phải phát triển một loại vắc xin mới và tiến hành tiêm chủng lại.
Theo các nhà khoa học Anh, lý do khiến Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock "đặc biệt quan ngại" là do vắc xin phòng COVID-19 có thể không ngăn ngừa hiệu quả biến thể tại Nam Phi như đối với biến thể tại Anh.
Trong khi đó, Ban chỉ đạo chống COVID-19 của Nga cho biết đã ghi nhận xu hướng giảm hệ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này.
Hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) là chỉ số dự đoán số người trung bình bị lây nhiễm virus từ một người mắc bệnh. Theo đó, hệ số R0 đã giảm từ mức 0,91 xuống mức 0,89, tương đương chỉ số đầu năm 2020.
Đáng chú ý, thủ đô Matxcơva ghi nhận chỉ số R0 ở ngưỡng 0,76 trong hai ngày liên tiếp, là mức thấp nhất trên cả nước.
5. Vương quốc Anh ghi nhận hơn 1.000 người chết một ngày vì COVID
Vương quốc Anh ngày 6-1 ghi nhận thêm 1.041 người chết vì virus corona, cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 4-2020 số người chết trong 24 giờ vì COVID-19 ở đây vượt mốc 1.000.
Theo hãng tin Reuters, trong ngày 6-1, Vương quốc Anh có thêm 62.322 ca mắc mới và 1.041 người chết vì COVID-19.
Các số liệu này cho thấy một sự thật u ám về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng dịch bệnh mà Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đang trải qua.
Cả Anh và Scotland đều đã bắt đầu đợt phong tỏa mới phòng dịch COVID-19 trong tuần này. Mọi người dân đều được yêu cầu ở trong nhà, hạn chế tối đa ra ngoài.
Theo hãng tin Reuters, mặc dù ngày thứ Bảy (9-1) Ireland sẽ hủy bỏ lệnh cấm với hành khách từ Anh và Nam Phi tới, nhưng sẽ yêu cầu họ khi tới phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ trước. Quy định này sẽ duy trì cho tới hết tháng 1-2021.
VIỆT NAM
1. Đừng đánh mất “giờ vàng” khi “chạy đua” với đột quỵ não
Rất nhiều người bị đột quỵ não được đưa đến bệnh viện kịp thời đã được xử trí, bình phục và trở lại cuộc sống bình thường… Nhưng cũng có những người đến viện khi đã ở giai đoạn muộn. Đột quỵ não có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn, cho nên các bác sĩ nhấn mạnh, đến sớm bao nhiêu thì tỷ lệ điều trị thành công cao bấy nhiêu.
PGS, TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh: Phải chạy đua với thời gian để tới viện sớm nhất có thể khi có triệu chứng nghi ngờ như méo miệng một bên, nói ngọng, yếu liệt hoặc tê bì tay chân một bên, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt...; không được phép để mất một giây phút nào vào việc nằm bất động chờ tự hồi phục hay tự điều trị theo phương pháp dân gian truyền miệng. Cơ hội để dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ có bốn đến năm giờ từ khi khởi phát; cơ hội để can thiệp lấy huyết khối chỉ có sáu giờ đầu (một số trường hợp đặc biệt có thể tới 24 giờ). Càng đến sớm bao nhiêu thì tỷ lệ điều trị thành công càng cao bấy nhiêu. Cho nên, PGS, TS Mai Duy Tôn khuyến cáo: Điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng. Lập tức gọi xe cứu thương và gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất, xe cứu thương 115 sẽ đưa người bệnh đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu người bị đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Thêm vào đó, nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống người bệnh trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não.
Bên cạnh những việc cần làm, thì cũng có những việc không nên làm đối với người bệnh đột quỵ não. Đó là tuyệt đối không được cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào. Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì để tránh cho người bị đột quỵ gặp tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp. Tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.
Các bác sĩ thường hay nhắc đến “thời gian vàng” trong xử trí đột quỵ não hay còn gọi “thời gian là não” để nhấn mạnh rằng càng trì hoãn xử lý đột quỵ não thì càng có nhiều thiệt hại cho người bệnh. Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc ô-xy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32 nghìn tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (đó là trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót)… Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong sáu đến tám giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn trong “cửa sổ thời gian” này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi. Do vậy, khi phát hiện người bệnh đột quỵ não, cần đưa người bệnh vào viện ngay.
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/dung-danh-mat-gio-vang-khi-chay-dua-voi-dot-quy-nao-630938/
2. Nước rửa tay hay xà phòng tốt hơn?
Theo trang tin Insider, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe tối ưu, mọi người nên ưu tiên sử dụng xà phòng và nước khi vệ sinh tay thay vì các loại nước rửa tay chứa cồn.
Chuyên gia vi sinh vật học - Phó chủ tịch Hội đồng khoa học và sức khỏe Mỹ Alex Berezow cho hay nước rửa tay chứa cồn có thể tiêu diệt nhiều loại vi trùng nhưng không loại bỏ được chúng khỏi da như xà phòng và nước.
“Xà phòng là một chất tẩy rửa, vì vậy có thể rửa sạch vi khuẩn khỏi tay bạn giống như rửa sạch dầu mỡ trên đĩa ăn”, chuyên gia Berezow nói.
Các chuyên gia của CDC Mỹ cũng giải thích thêm dù việc rửa tay bằng xà phòng và nước không trực tiếp tiêu diệt vi trùng, nhưng sẽ rửa trôi chúng khỏi da.
Đặc biệt là sau khi dùng bữa hay chơi thể thao, khiến da tay dính nhiều dầu mỡ hay bị bẩn, thì việc dùng chất khử trùng có cồn lúc này sẽ không còn nhiều hiệu quả.
Ngoài ra, CDC Mỹ cũng khuyến cáo để xà phòng phát huy tối đa tác dụng, mọi người cần rửa tay đúng cách trong ít nhất 20 giây. Đồng thời cũng không có sự khác biệt quá lớn giữa việc sử dụng xà phòng thông thường và xà phòng “kháng khuẩn”. Bởi cả hai loại đều đã được chứng minh là có cùng hiệu quả.
https://thanhnien.vn/suc-khoe/nuoc-rua-tay-hay-xa-phong-tot-hon-1326086.html
3. Lạnh gây hại cho nhiều người
Mới đây, ở Hà Giang đã xảy ra một vụ ngộ độc than sưởi ấm trong phòng, làm bé gái 11 tuổi tử vong, bé trai 9 tuổi phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Rất may cháu bé đã bình phục và được về nhà.
Thời tiết rét đậm, rét hại thời gian qua cũng gây ra nhiều ca đột quỵ và những bệnh lý liên quan. Các bác sĩ cảnh báo thời tiết gây sốc cơ thể. Sưởi ấm thế nào để an toàn trong điều kiện quá lạnh hiện nay ở khu vực phía Bắc?
Viêm phổi, cảm cúm tăng mạnh
Từ ngày 7-1 thời tiết miền Bắc chuyển rét đậm, rét hại, lo ngại các bệnh thời tiết sẽ gia tăng, bên cạnh lo ngại các tai nạn do sưởi than, chở trẻ đi ngoài trời lạnh…
Những ngày gần đây, mỗi ngày đang có 20-30 bệnh nhi mắc cúm vào Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương. Đây là bệnh thời tiết điển hình, bởi hiện trung tâm có trên 200 bệnh nhi đang điều trị cúm, trong khi 2-3 tháng trước hầu như không có ca bệnh nào.
Đột quỵ cũng là chứng bệnh hay gặp trong những ngày trời lạnh, đặc biệt khi người già, người có bệnh nền gặp tình huống chênh lệch nhiệt độ quá mức: đang ở trong chăn ấm và ra ngoài trời/ngoài phòng có nhiệt độ thấp hơn nhiều, đi thể dục quá sớm hoặc quá muộn…
Cẩn thận sưởi than dễ bị lịm dần
Vụ bé gái ở Hà Giang chết đột ngột là vụ ngộ độc than sưởi đầu tiên ghi nhận trong mùa đông năm nay, nhưng rất cần phải lưu ý do năm nào cũng xảy ra tình trạng tương tự, đặc biệt là các gia đình ở vùng núi cao.
Với mức nhiệt này, nếu gia đình không chuẩn bị các phương tiện sưởi ấm an toàn sẽ ảnh hưởng sức khỏe, nhưng tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong đốt sưởi trong phòng kín, do nguy cơ ngộ độc khí CO (carbon monoxit). Đáng chú ý là người ngộ độc khí do sưởi than có dấu hiệu lịm dần, không thể kêu cứu, khi được phát hiện thì thương vong đã xảy ra.
Bác sĩ Nam khuyến cáo để phòng bệnh trong những ngày này, giữ ấm là quan trọng nhất, đặc biệt với trẻ em và người già. Bên cạnh đó, các bữa ăn cần đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và hợp vệ sinh. Người già không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, cũng không nên tắm và gội đầu cùng lúc, tránh nguy cơ tai biến xảy ra.
Để tránh các bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu, sởi, quai bị… hay xảy ra vào mùa đông-xuân, cha mẹ chú ý lịch tiêm chủng để tiêm đủ mũi cho trẻ. Phụ nữ chuẩn bị mang thai cũng cần tiêm các vắcxin này để chuẩn bị một thai kỳ mạnh khỏe.
https://tuoitre.vn/lanh-gay-hai-cho-nhieu-nguoi-20210106231707809.htm
4. Các trường hợp được xem là khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến từ 2021
Ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30/2020/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế. Tại Thông tư này quy định 08 trường hợp được xem là khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến từ 01/03/2021.
Cụ thể, tại Điều 6 Thông tư 30/2020/TT-BYT quy định các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến bao gồm:
1. Người tham gia bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.
2. Người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh.
Trường hợp trẻ em chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chưa làm thủ tục khai sinh được sử dụng giấy chứng sinh đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu trên.
3. Người tham gia bảo hiểm y tế trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.
Bác sĩ hoặc y sỹ đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu đối với người bệnh, ghi vào hồ sơ bệnh án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
4. Người tham gia bảo hiểm y tế được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định
5. Người tham gia bảo hiểm y tế có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú và khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lưu bản chụp giấy tờ quy định tại điểm này trong hồ sơ bệnh án điều trị của người bệnh đó.
6. Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
7. Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.
8. Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.
Như vậy, từ đầu tháng 03/2021 sẽ có tất cả 08 trường hợp được xem là khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến theo quy định của Thông tư 30/2020/TT-BYT. Người đang sử dụng BHYT cần lưu ý để đảm bảo được hưởng quyền lợi tối đa khi tham gia BHYT.