Điểm tin nhanh ngày 29/10/2022
Phụ nữ trên 40 tuổi cần tầm soát ung thư vú định kỳ; Chuyên gia cảnh báo việc tự mua thuốc điều trị Zona thần kinh tại nhà; Người bệnh sa sút trí tuệ cần được chăm sóc phù hợp theo từng giai đoạn
Mỹ thử nghiệm thuốc điều trị hậu COVID-19; Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 29/10/2022
THẾ GIỚI
1.Nhiều nơi ở Hoa Kỳ đang đối mặt với vi rút hợp bào hô hấp (RSV)
Giám sát của CDC đã cho thấy sự gia tăng trong việc phát hiện RSV và các chuyến thăm khám tại khoa cấp cứu liên quan đến RSV và nhập viện ở nhiều vùng của Hoa Kỳ, với một số vùng gần đạt đến mức cao điểm theo mùa. Các bác sĩ lâm sàng và các chuyên gia y tế công cộng nên biết về sự gia tăng các loại vi rút đường hô hấp, bao gồm cả RSV.
Nguồn: cdc.gov
2.WHO cảnh báo về bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới
Theo báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới, số người bị nhiễm bệnh lao, gồm cả loại kháng thuốc, lần đầu tiên tăng trên toàn cầu sau nhiều năm.
WHO cho biết hơn 10 triệu người trên thế giới bị bệnh lao vào năm 2021, tăng 4,5% so với năm trước. Khoảng 1,6 triệu người đã qua đời. Theo WHO, khoảng 450.000 trường hợp liên quan đến người nhiễm lao kháng thuốc, tăng hơn 3% so với năm 2020.
Nguồn: zing.vn
3.Mỹ thử nghiệm thuốc điều trị 'hậu Covid'
Các triệu chứng “hậu Covid” phổ biến bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, nhưng cũng có nhiều triệu chứng khác
Nguồn: thanhnien.vn
4. Nghiên cứu từ Úc: Có thể rước bệnh nan y chỉ vì… ngoáy mũi
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Trường Đại học Griffith - Úc cảnh báo rằng Chlamydia peumoniae, một loại vi khuẩn nguy hiểm, có thể sử dụng những dây thần kinh kéo dài giữa khoang mũi và não như một con đường để xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.
Các tế bào trong não sẽ phản ứng trước kẻ xâm nhập này bàng một quá trình có hại: Tích tụ amyloid beta. Từ lâu, các mảng amyloid beta đã được cho là nguyên nhân dẫn đến Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác.
Nguồn: nld.com.vn
VIỆT NAM
1. Vì sao phụ nữ Việt trên 40 tuổi cần tầm soát ung thư vú định kỳ?
Theo Bộ Y tế, ung thư vú là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam và trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tuy nhiên do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh… Theo Thứ trưởng Bộ Y tê Đỗ Xuân Tuyên, còn rất nhiều chị em tới bệnh viện thăm khám đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém. Vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. "Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Mặc dù những năm gần đây, các hoạt động, chương trình về tầm soát ung thư vú sớm đã được triển khai với quy mô bài bản và thường xuyên hơn, song nhận thức của phụ nữ Việt Nam về căn bệnh này vẫn chưa thực sự cao và đồng đều...
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2. Cảnh báo tự mua thuốc điều trị bệnh Zona thần kinh tại nhà
Bệnh zona thần kinh vào giai đoạn đầu khi xuất hiện tổn thương trên da rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đau dây thần kinh hoặc da liễu thông thường khác, chính vì vậy nhiều người chủ quan không đi khám, tự ý điều trị có thể gây những biến chứng như đau dây thần kinh sau zona, để lại sẹo, gây giảm hoặc mất thính lực và một số biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm gan, viêm màng não…
Do đó, khi có những dấu hiệu bất thường, người dân nên tới khám tại các cơ sở y tế uy tín thay vì bỏ qua hay tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Nguồn: vtv.vn
3. Ba giai đoạn của sa sút trí tuệ và cách chăm sóc
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, sa sút trí tuệ được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu, người bệnh giảm sự tiếp thu thông tin, lặp đi lặp lại một câu hỏi hay một vấn đề, mất khả năng quản lý tài chính, không nhớ đồ cất ở đâu và dễ bị nhầm, lạc đường; Giai đoạn giữa, các triệu chứng rõ ràng hơn, người bệnh không nhớ sáng mình ăn gì, quên một số kỉ niệm trong quá khứ, khó mặc quần áo phù hợp, không nhớ số điện thoại của mình, hay nhầm lẫn…; Giai đoạn cuối, người bệnh không nhận thức được môi trường xung quanh, đi lang thang, không nhận ra bạn bè người thân, không nhớ lịch sử bản thân, mất kiểm soát bàng quang và ruột, thay đổi nhân cách và hành vi. Các triệu chứng càng ngày nặng lên, người bệnh cần sự hỗ trợ tất cả trong cuộc sống hàng ngày. Với mỗi một giai đoạn bệnh, người thân và gia đình sẽ cần có một cách chăm sóc khác nhau. Tại Việt Nam, số người mắc sa sút trí tuệ năm 2015 là 660.000 người. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ lên đến 52% trên tổng gánh nặng bệnh tật do bệnh thần kinh và tâm thần ở người cao tuổi tại Việt Nam.
Nguồn: vtv.vn
Thu Loan, Bá Trình - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)