Điểm tin nhanh ngày 08/11/2022
Tại Việt Nam, tỉ lệ lưu hành bệnh lao kháng thuốc đã tăng mức cao nhất chưa từng được ghi nhận trong lịch sử; Nguy hại khi lạm dụng thuốc giảm đau
Chúng ta cần thực phẩm chứ không cần thuốc lá – đó là trọng tậm Ngày thế giới không thuốc lá; Nghiên cứu mới cho thấy con người sẽ bị “biến dạng” đáng sợ vì smartphone, laptop; Số ca nhiễm RSV đang tăng đột biến trên khắp nước Mỹ, Quận Cam ban bố tình trạng y tế khẩn cấp
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 08/11/2022
THẾ GIỚI
1.Chúng ta cần thực phẩm chứ không cần thuốc lá - trọng tâm của Ngày thế giới không thuốc lá 2023
Một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang gia tăng do xung đột, biến đổi khí hậu, tác động của đại dịch COVID-19 cũng như tác động của cuộc chiến ở Ukraine khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng cao. Việc trồng và sản xuất thuốc lá dẫn đến những tác hại lâu dài, về mặt sinh thái toàn cầu và biến đổi khí hậu, đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định tương lai của nông nghiệp và an ninh lương thực. WHO hôm nay công bố chiến dịch toàn cầu nhân Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2023 - tập trung vào việc trồng cây lương thực bền vững thay vì thuốc lá .
Nguồn: who.int
2. Nghiên cứu mới: Con người sẽ 'biến dạng' đáng sợ vì smartphone, laptop
Lưng gù, cột sống lệch, ngón tay co thắt, 'mọc' thêm mí mắt... Một dự án nghiên cứu cảnh báo việc sử dụng công nghệ quá nhiều có thể hình thành những bất thường đối với cơ thể con người tương lai.
Nguồn: tuoitre.vn
Việc thường xuyên vuốt màn hình điện thoại khiến ngón tay bị co thắt và đau - Ảnh: TOLL FREE FORWARDING
3. Loại virus khiến Quận Cam ban bố tình trạng khẩn cấp y tế
Số ca nhiễm RSV đang tăng đột biến trên khắp nước Mỹ, khiến nhiều bệnh viện nhi và phòng khám phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tột độ. Theo CDC, số lượt khám và nhập viện tại khoa cấp cứu liên quan đến virus RSV ngày càng tăng bất hợp lý. Hồi 1/11, giới chức Quận Cam (bang California, Mỹ) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế sau khi số ca nhập viện và cấp cứu tăng lên ở mức kỷ lục do virus này.
Nguồn: zing.vn
VIỆT NAM
1. Vì sao nhiều người trẻ mắc bệnh lao?
Nếu như trước đây bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, hiện nhiều người trẻ tuổi đã mắc phải bệnh lao. Theo ước tính mỗi năm nước ta có tới 13.000 trẻ em mắc bệnh lao cần phải điều trị.
Theo một báo cáo được công bố hồi cuối tháng 10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận mức tăng trong các ca mắc lao phổi là 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. WHO cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần hai thập niên.
Báo cáo của WHO nêu rõ trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi vào năm ngoái, 1,6 triệu người đã chết. Hằng năm Việt Nam có hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết do bệnh lao.
BS Nguyễn Hoài Minh – Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) – cho biết dữ liệu giám sát gần đây cho thấy tỉ lệ lưu hành bệnh lao kháng thuốc đã tăng mức cao nhất chưa từng được ghi nhận trong lịch sử
Nguồn: tuoitre.vn
2. Nhiều người kiêng trứng khi bị sốt xuất huyết, điều này có đúng không?
Người bị sốt xuất huyết cần được cung cấp đạm (protein) cao hơn bình thường để bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất đi trong lúc mắc bệnh và thúc đẩy quá trình hồi phục cơ thể. Trứng là thực phẩm quen thuộc rất giàu protein, vậy người bệnh sốt xuất huyết có nên ăn trứng không và ăn thế nào là hợp lý?
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, người lớn khỏe mạnh có thể ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày. Những người ăn chay do không ăn thực phẩm chứa cholesterol làm từ thịt có thể ăn nhiều trứng hơn miễn là chế độ ăn vừa phải. Trứng rất tốt đối với trẻ em, trẻ em có thể ăn 1 - 2 quả trứng mỗi ngày.
Nguồn; suckhoedoisong.vn
3. Nguy hại lạm dụng thuốc giảm đau
Việc dễ dàng mua thuốc giảm đau mà không cần toa thuốc hay chỉ định của bác sĩ đã khiến nhiều người vô tình rơi vào tình trạng nghiện thuốc giảm đau. Việc lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài sẽ gây tổn thương nội tạng, như xuất huyết dạ dày, suy thận và tuyến thượng thận; đối với tim mạch có thể gây tăng huyết áp, làm trầm trọng hơn bệnh suy tim…
Nguồn: sggp.vn
Thu Loan, Bá Trình - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)