Điểm tin nhanh ngày 29/05/2022
Theo Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có một trường hợp tử vong tại Bình Thuận. Từ ca tử vong do tay chân miệng: Sai lầm cần tránh trong điều trị, chăm sóc trẻ mắc bệnh.
WHO: Số ca viêm gan ở trẻ em tăng lên 650 tại 33 quốc gia. Thế giới có những vaccine và thuốc điều trị đậu mùa khỉ nào? Việt Nam sáng 29/5: Hơn 9,43 triệu F0 ở Việt Nam đã khỏi; cách kiểm soát cơn đau hậu COVID-19. Bác sĩ chỉ cách hạ sốt an toàn cho trẻ sốt xuất huyết...
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 29/5/2022
THẾ GIỚI
1.WHO: Số ca viêm gan ở trẻ em tăng lên 650 tại 33 quốc gia
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca có thể mắc bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em đã tăng lên 650 trường hợp tại 33 quốc gia. Khoảng 1/3 trong số 650 trường hợp kể trên (tương đương 222 ca) là xảy ra tại Anh và thêm 216 trường hợp được ghi nhận tại Mỹ, theo thông báo từ WHO. Hầu hết các trường hợp trẻ em mắc viêm gan cấp tính đang được theo dõi đều mắc bệnh từ tháng 3, tháng 4 năm nay. Hiện các cơ quan y tế trên khắp thế giới đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân trẻ mắc viêm gan cấp tính, căn bệnh đã gây ra ít nhất 9 ca tử vong.
Nguồn: vtv.vn
2. Togo loại bỏ bệnh mắt hột
Bệnh mắt hột là bệnh truyền nhiễm hàng đầu gây mù lòa do nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Nhiễm trùng lây lan từ người này sang người khác qua việc tiếp xúc với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người bị nhiễm bệnh. Các yếu tố môi trường có nguy cơ lây truyền bệnh mắt hột bao gồm vệ sinh kém, hộ gia đình đông đúc, tiếp cận không đủ nước và không được tiếp cận hoặc sử dụng các thiết bị vệ sinh thích hợp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận Togo đã loại bỏ bệnh mắt hột như một vấn đề sức khỏe cộng đồng, [1] trở thành quốc gia thứ ba trong Khu vực châu Phi của WHO sau Ghana (tháng 6 năm 2018) và Gambia (tháng 4 năm 2021) đạt được cột mốc quan trọng này.
Nguồn: who.int
3.Ireland, Malta ghi nhận các ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 28/5, Cơ quan điều hành dịch vụ y tế Ireland (HSE) cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Cùng ngày, Bộ Y tế Malta cũng thông báo trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân là một người đàn ông Malta, 38 tuổi, vừa trở về từ một quốc gia có ca mắc bệnh trên. Người này hiện chỉ gặp các triệu chứng nhẹ, song đã được cách ly điều trị tại nhà. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, virus gây bệnh đậu mùa khỉ hiện đã lan ra hơn 20 quốc gia trên thế giới với hơn 200 ca nhiễm và nghi nhiễm.
Nguồn: vtv.vn
4.Những vaccine và thuốc điều trị đậu mùa khỉ
Ngoài sử dụng vaccine virus bất hoạt, châu Âu và Mỹ dùng thuốc kháng virus để điều trị cho người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện châu Âu chỉ có một loại vaccine ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ là Jynneos của Bavaria Nordic. Jynneos sử dụng virus đã bất hoạt, không thể sao chép. Như vậy, virus đậu mùa trong vaccine không lây lan trong cơ thể. Vaccine được tiêm hai mũi, cách nhau 4 tuần. Ngoài ra, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể điều trị bằng các loại thuốc như Cidofovir, Brincidofovir, Tecovirimat, huyết thanh (Globulin) miễn dịch. CDC Hoa Kỳ lưu ý các nhóm thuốc này đều chưa có dữ liệu về hiệu quả.
Nguồn: vnexpress.net
VIỆT NAM
1.Sáng 29/5: Hơn 9,43 triệu F0 ở Việt Nam đã khỏi; Kiểm soát cơn đau hậu COVID-19 thế nào?
Bộ Y tế cho biết, tại nước ta, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát, mấy ngày gần đây, F0 ghi nhận trong cộng đồng chỉ còn khoảng gần 1.000 ca mỗi ngày;
Bộ Y tế hướng dẫn cách kiểm soát cơn đau hậu COVID-19 như: Đối với đau khớp, đau cơ hoặc đau toàn thân, bạn có thể dùng các thuốc giảm đau không cần kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen sau khi ăn; Cán bộ y tế có thể kê các loại thuốc giảm đau nếu các thuốc nêu trên không có tác dụng; Ngủ ngon có thể giúp giảm các triệu chứng đau; Sắp xếp các hoạt động hàng ngày và tập thể dục nhẹ là công cụ hiệu quả trong việc kiểm soát cơn đau của bạn; Nghe nhạc và thiền.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2.Bác sĩ chỉ cách hạ sốt an toàn cho trẻ sốt xuất huyết
Dùng thuốc hạ sốt sai có thể khiến trẻ sốt xuất huyết nguy kịch. Ngay cả loại thuốc phù hợp, nếu uống sai cách cũng gây hại cho gan của bệnh nhi. Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết với sốt xuất huyết, loại thuốc an toàn để hạ sốt cho trẻ là paracetamol. Thuốc có thể ở dạng viên, gói, siro hoặc dạng đặt hậu môn nhưng liều dùng phải dựa trên cân nặng. Liều thông tường là 10-15mg/kg cân nặng/lần, lặp lại sau 4-6 giờ.
Bác sĩ Minh Tuấn lưu ý, thuốc chỉ nên sử dụng khi trẻ sốt từ 39 độ C trở lên, không dùng thường quy hay quá sớm, quá nhiều. Lý do vì virus dengue (gây bệnh sốt xuất huyết) có thể ảnh hưởng chức năng gan, bệnh dễ biến chứng suy gan. Nếu sử dụng paracetamol “dễ dãi”, gan của trẻ sẽ càng dễ bị tổn thương hơn.
Nguồn: vietnamnet.vn
3.Từ ca tử vong do tay chân miệng: Sai lầm cần tránh trong điều trị, chăm sóc trẻ mắc bệnh
Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa. Đến nay, theo Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có một trường hợp tử vong tại Bình Thuận. Chính vì vậy, việc chăm sóc đúng là vô cùng quan trọng. Các sai lầm cần tránh trong điều trị tay chân miệng: Trẻ mắc tay chân miệng không cần đi khám; Trẻ mắc tay chân miệng không cần tái khám; Ép trẻ ăn nhiều; Kiêng nước, kiêng gió; Trẻ ở nhà thì không thể mắc tay chân miệng, trẻ lớn mắc bệnh sẽ không nguy hiểm.
Từ các sai lầm trên, lời khuyên của bác sĩ là hãy đưa trẻ khám và tái khám khi trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng nghi mắc tay chân miệng. Đối với dinh dưỡng có thể cho con uống sữa hoặc chia nhỏ bữa ăn thay vì ép trẻ ăn. Giữ vệ sinh sạch sẽ và giữ các vết lở loét ở trạng thái thoáng khí. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
4. Cẩn trọng khi trẻ nuốt phải dị vật
2 trường hợp bệnh nhi 2 tháng tuổi và 4 tuổi vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP. Hồ Chí Minh) nội soi gắp dị vật đường tiêu hoá là chiếc nhẫn và đồng xu.
Các bác sĩ cho biết: Do trẻ nhỏ có tính hiếu động, tò mò nên các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, các vật dễ cho vào miệng như pin, đồng xu, viên bi, các vật có hóa chất độc hại...
Những trường hợp nuốt phải dị vật nếu không được phát hiện lấy ra sớm, dị vật có thể sẽ bị nghẹt lại ở thực quản hoặc đường thở gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Ngoài ra, dị vật có thể di chuyển theo đường tiêu hóa xuống ruột gây tổn thương như rách thủng niêm mạc ruột, tắc ruột ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Khi đó, việc can thiệp lấy ra bằng phương pháp nội soi vô cùng khó khăn thậm chí bệnh nhi phải trải qua một cuộc phẫu thuật phức tạp hơn.
Nguồn: vtv.vn
5. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân khiến 8 triệu ca tử vong mỗi năm, nhiều người vẫn chưa từ bỏ thói quen này
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Khoảng 7 triệu ca tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp, trong khi 1,2 triệu ca tử vong là những người không hút thuốc có tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Trên 7.000 chất độc trong khói thuốc lá. Hiện khói thuốc là nguyên nhân chính trong nhóm nguyên nhân gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đột quỵ, phổi tắc nghẽn mạn tính.
Theo ông Lương Ngọc Khuê “Thực sự thuốc lá đang là nguyên nhân chính gây nên các bệnh tật có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới”
Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại các tỉnh, thành do Đại học y tế Công cộng thực hiện năm 2020 so với năm 2015 như sau: Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 45,3% xuống 42,3%. Mặc dù, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm cũng giảm so với năm 2015 như nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar, cà phê, trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%. Nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với một số thử thách đó là tỷ lệ dùng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, shisha). Tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Thuế thuốc thấp làm giá thuốc lá rẻ. Giá thuốc rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.
Nguồn: vietnamnet.vn
Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)