Điểm tin nhanh ngày 11/10/2022
Nghiên cứu từ Đại học ở Mỹ cho thấy dùng bữa muộn hơn khiến cảm giác đói tăng gấp đôi, dẫn đến ăn nhiều hơn, tăng lượng calo nạp
FDA đề xuất định nghĩa mới về "thực phẩm lành mạnh", theo đó bánh mì trắng, sữa chua có đường và một số loại ngũ cốc không còn được coi là lành mạnh. Nghệ nhân trang sức người Mông Cổ đã có ý tưởng rất độc đáo làm bông tai từ sữa mẹ. Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện biến thể BA.5.1.7 lây lan nhanh của Omicron...
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 11/10/2022
THẾ GIỚI
1.Mỹ xếp bánh mì trắng, sữa chua có đường vào nhóm 'không lành mạnh'
FDA đề xuất định nghĩa mới về "thực phẩm lành mạnh", theo đó bánh mì trắng, sữa chua có đường và một số loại ngũ cốc không còn được coi là lành mạnh. Để đủ điều kiện được coi là lành mạnh, thực phẩm phải có một số thành phần trong các nhóm hữu cơ như trái cây, rau, sữa, ngũ cốc nguyên hạt. Chúng cũng phải hạn chế lượng đường bổ sung (vốn không có trong tiêu chuẩn cũ) và natri. FDA đề xuất thực phẩm có không quá 230 miligam natri và 2,5 gam đường bổ sung được coi là lành mạnh.
Nguồn: vnexpress.net
2.Trang sức làm từ… sữa mẹ
Một nghệ nhân trang sức người Mông Cổ đã có ý tưởng rất độc đáo, đó là làm bông tai từ sữa mẹ. Sữa sẽ được làm đông, sấy khô cho đến khi trở thành 1 vật liệu có màu trắng trong. Sữa mẹ được gửi đến đều có mã code riêng và đề tên người gửi để không bị nhầm lẫn. Đây là một món đồ lưu niệm thể hiện tình mẫu tử, cũng như giúp phụ nữ lưu lại một mẫu sữa của mình để làm kỉ niệm.
Nguồn: vtv.vn
3.Ăn càng sớm càng có lợi sức khoẻ
Nghiên cứu từ Đại học Brigham cho thấy dùng bữa muộn hơn khiến cảm giác đói tăng gấp đôi, dẫn đến ăn nhiều hơn, tăng lượng calo nạp. Nghiên cứu phát hiện nhóm ăn sớm có mức độ đói, cách cơ thể đốt cháy calo sau ăn và tích trữ chất béo khác biệt. Ăn khuya làm tăng gấp đôi cảm giác đói, mức độ hormone leptin thấp hơn khi cảm thấy no. Theo các chuyên gia, ăn khuya khiến cơ thể tích trữ 60 calo.
Nguồn: vnexpress.net
4. Nguyên nhân gây ung thư phổi ở người không hút thuốc
Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc thụ động, khí radon, điều kiện môi trường làm việc… đang là tác nhân phổ biến gây tăng mắc ung thư phổi. Nghiên cứu của Trung tâm Y khoa Truman (Missouri, Mỹ) ghi nhận tỉ lệ ung thư phổi ở người không hút thuốc đang gia tăng, nhất là ở phụ nữ. Trong số các nữ bệnh nhân ung thư phổi trên thế giới, có hơn 50% người không hút thuốc. Trong khi đó, có 15-20% bệnh nhân nam ung thư phổi không có thói quen hút thuốc lá. Tại châu Á, tỉ lệ nữ bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc là 60-80%.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, 6 nguyên nhân phổ biến gây ung thư phổi ở người không hút thuốc gồm: Hút thuốc lá thụ động, khói nấu ăn, khí radon, môi trường làm việc độc hại, đột biến gene, yếu tố di truyền
Nguồn; vnexpress.vn
VIỆT NAM
1.Sáng 11/10: Ca COVID-19 nặng tăng nhẹ
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nặng tăng nhẹ so với vài ngày trước đó; Đại dịch COVID-19 khiến số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm tăng lên.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2.Ho ra máu kéo dài, người đàn ông được cứu sống nhờ phẫu thuật nội soi cắt phổi trái
Ông H.V.T, tiền sử mắc lao phổi, gần đây ho ra máu nhiều, gia đình phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. BS CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, BVĐK tỉnh Quảng Ninh nói: Bệnh nhân T. nhập viện với bên phổi trái mất hoàn toàn chức năng, ho ra nhiều máu kéo dài. Do đó, phẫu thuật cắt phổi là phương án tối ưu và triệt để nhất, ngăn tình trạng ho ra máu tái phát, đặc biệt là nguy cơ tử vong do ho ra máu "sét đánh". Dù cắt bỏ hết phổi trái nhưng phổi phải đã bù trừ chức năng từ trước nên bệnh nhân không cần hô hấp hỗ trợ sau mổ, sức khỏe phục hồi tích cực và tự thở tốt.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
3. Việc đầu tiên cần làm khi ngộ độc thực phẩm
Thay vì tìm tới một loại thuốc uống nào đó, bù nước là việc phương pháp đầu tiên giúp chúng ta dễ chịu hơn cũng như giảm nguy cơ diễn biến nặng do ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý có thể gây buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là chúng ta ăn phải thực phẩm có chứa một loại vi trùng như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Theo tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Trang Thúy, Đại học Y Hà Nội, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là norovirus, vi khuẩn Salmonella và E. coli. Trong khi đó, ký sinh trùng gây ngộ độc thực phẩm thường bao gồm những con giun nhỏ chúng ta có thể gặp ở một số quốc gia.
Nguồn: zingnews.vn
Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)