Bản tin COVID-19 tối 19/11: TP.HCM ghi nhận thêm 1.339 ca nhiễm mới
Tính từ 16g ngày 18/11 đến 16g ngày 19/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.339 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 450.644 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Từ khi áp dụng sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir, đã có nhiều trường hợp F0 hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và mất hẳn các triệu chứng chỉ sau 1 tuần cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, các trường hợp trên vẫn phải tiếp tục cách ly đến hết thời gian theo quy định (14 ngày). Việc kéo dài thời gian cách ly cùng với số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày nên khó tránh quá tải tại khu cách ly tập trung và các bệnh viện. Trước tình hình đó, để gia tăng hiệu quả trong công tác chăm sóc, điều trị F0, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép TP.HCM thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.
Một trường hợp F0 đang cách ly tại nhà nhận các túi thuốc điều trị - Ảnh: X.MAI
TP.HCM đang triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ tại nhà và cộng đồng theo đề án nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã được Bộ Y tế phê duyệt. Mới đây, Molnupiravir được Bộ Y tế cập nhật vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, cập nhật lần thứ 7 theo quyết định số 4689 ngày 6/10. Hiện tại, số trường hợp F0 có xu hướng tăng sau khi TP.HCM triển khai áp dụng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nên nhu cầu sử dụng Molnupiravir cũng tăng tương ứng. TP.HCM hiện còn 2.000 liều và sẽ cấp phát hết trong 2 ngày nữa. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo xem xét cấp bổ sung 100.000 liều Molnupiravir cho TP.HCM điều trị các F0 có triệu chứng nhẹ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để TP.HCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vắc-xin, nhất là biện pháp 5K “Khẩu trang - Khử Khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”.
LT - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC)