Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Điểm tin nhanh ngày 26/10/2022
Uống thuốc huyết áp vào buổi sáng hay buổi tối đều mang lại hiệu quả như nhau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường phiên bản cập nhật. Thanh long thuộc họ xương rồng, khá phổ biến ở vùng nhiệt đới và có giá trị dinh dưỡng cao, bất kể là thanh long ruột trắng hay ruột đỏ. Tiêm ngừa dại là đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn...
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 26/10/2022
THẾ GIỚI
1.Ấn Độ trước làn sóng COVID-19 mới do biến thể phụ XBB, nguy cơ dịch lan rộng tại Lào
Đến sáng 26/10, thế giới có trên 633,53 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,58 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân đi tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nhằm tăng khả năng miễn dịch trong bối cảnh nguy cơ cao tái bùng phát dịch trong tương lai.
Nguồn: vtv.vn
2.Tổng thống Mỹ Biden tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường phiên bản cập nhật
Ngày 25/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường phiên bản cập nhật và kêu gọi người dân Mỹ noi gương ông đi tiêm vaccine trước mùa đông. "Tôi kêu gọi tất cả người Mỹ đi tiêm vaccine ngay khi họ có thể", ông Biden nói. "Vẫn có hàng trăm người tử vong mỗi ngày vì COVID-19, đó là hàng trăm người. Con số này có thể sẽ tăng lên vào mùa đông năm nay, nhưng năm nay, hầu hết các trường hợp tử vong đều có thể ngăn ngừa được".
Nguồn: vtv.vn
3.Thanh long ruột trắng và ruột đỏ khác nhau như thế nào?
Thanh long thuộc họ xương rồng và khá phổ biến ở vùng nhiệt đới. Loại trái cây mọng nước này có giá trị dinh dưỡng cao, bất kể là thanh long ruột trắng hay ruột đỏ. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người tiểu đường nên ăn thanh long ruột trắng. Hàm lượng đường của ruột trắng thấp hơn, nhờ đó sẽ giảm nguy cơ đường huyết tăng cao hơn so với ruột đỏ. Ngược lại, thanh long ruột đỏ lại giàu chất chống ô xy hóa hơn ruột trắng. Một nghiên cứu đăng trên tạo chí Food Chemistry cho thấy cả thanh long ruột trắng và ruột đỏ đều kích thích các lợi khuẩn phát triển.
Nguồn: thanhnien.vn
4.Nên uống thuốc huyết áp vào thời điểm nào trong ngày?
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thuốc điều trị tăng huyết áp có thể hiệu quả hơn nếu uống vào buổi tối. Nhưng dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng mới cho thấy, thuốc có hiệu quả bất kể được uống vào thời điểm nào trong ngày. Đây là kết quả từ nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ các trường Đại học Edinburgh, Dundee, Glasgow và Oxford, Đại học Hoàng gia London, và Đại học Queen Mary của London.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
5. Bệnh truyền nhiễm gây chết người nhiều nhất thế giới quay lại
Sau những nỗ lực toàn cầu chống lại Covid-19, bệnh lao trở lại thành căn bệnh gây chết người nhiều nhất thế giới.
Mỗi năm, 1,5 triệu người trên thế giới tử vong vì căn bệnh này. Khi số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu giảm dần, lao trở lại là mối nguy lớn về y tế.
Tuy nhiên, khác với Covid-19, mối quan tâm với phòng ngừa và điều trị bệnh lao rất thấp. Thực tế, đại dịch đã có tác động tàn khốc đối với nỗ lực chống lại bệnh lao. Nhiều bệnh viện điều trị lao đã được trưng dụng để chăm sóc người mắc Covid-19. Tình trạng đóng cửa ở một số cơ sở khiến cho bệnh nhân không thể tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết. Kết quả, số ca tử vong do lao năm 2020 tăng lần đầu tiên trong một thập kỷ.
Nguồn: vnexpress.vn
VIỆT NAM
1.Nấm phổi - căn bệnh có tỷ lệ tử vong tới 50%
Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn mỗi năm, nấm phổi mãn tính do Aspergillus có trên 50.000 trường hợp mỗi năm. Tuy nhiên số người được chẩn đoán vô cùng ít ỏi, chỉ khoảng 1/1000 ca mắc, điều này cho thấy số người mắc bệnh mà không được chẩn đoán và tiếp cận điều trị rất lớn. Tỷ lệ tử vong của bệnh nấm phổi xâm lấn rất cao, từ 30-80% số người mắc bệnh, tùy theo tình trạng bệnh nền mà người bệnh có tiên lượng xấu ít hay nhiều.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2.Bác sĩ chỉ ra quan niệm sai lầm khiến nhiều người tử vong vì bệnh dại
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Điều hành Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ Khoa học kỹ thuật, Viện Pasteur TP.HCM cho biết người dân thường nghĩ "chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao", hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng. Tiêm ngừa dại là đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Nhất là trong trường hợp nạn nhân bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ….
Nguồn: vietnamnet.vn
3. Tỷ lệ trở nặng và tử vong ở người lớn mắc sốt xuất huyết cao hơn nhiều so với trẻ em
Bệnh sốt xuất huyết có thể diễn tiến rất nhanh, khả năng bệnh nhân sốc, gặp các biến chứng nặng và tử vong rất cao đặc biệt là người lớn.
Tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã có gần 26.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 102 ca tử vong. Riêng TP.HCM, tính từ đầu năm tới nay Thành phố đã ghi nhận 66.699 ca bệnh. Chỉ trong tuần 42, Thành phố có gần 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết. Dù số ca sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm nhưng tính tới hiện nay, số ca mắc đã tăng gấp 7 lần, số ca nặng tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 29 ca tử vong
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)