Điểm tin nhanh ngày 13/10/2022
Uống trà giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, giúp phòng tránh và giảm nguy cơ tiểu đường type 2 theo nghiên cứu tổng hợp báo cáo tại Hiệp nghiên cứu đái tháo đường châu Âu; Các nhà khoa học đã phát hiện vi nhựa trong nhiều mẫu sữa mẹ ở Italy
Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể BA.5.1.7; Nhiều trường hợp thanh thiếu niên rối loạn tâm thần vì áp lực “con ngoan trò giỏi”
Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 13/10/2022
THẾ GIỚI
1.Phát hiện vi nhựa trong nhiều mẫu sữa mẹ ở Italy
Các nhà khoa học đã phát hiện vi nhựa trong nhiều mẫu sữa mẹ ở Italy. Điều này làm dấy lên lo ngại về tác động tiềm ẩn đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các mảnh vi nhựa trong 76% mẫu sữa của 34 bà mẹ khỏe mạnh sau khi sinh con một tuần ở thủ đô Rome. Tất cả những loại nhựa này đều có thể được tìm thấy trong bao bì nhựa. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tránh thực phẩm và đồ uống được đóng gói trong bao bì nhựa, cũng như quần áo làm bằng vải tổng hợp và mỹ phẩm có chứa vi nhựa
Nguồn: vtv.vn
2.Indonesia điều tra trẻ tử vong do tổn thương thận cấp
Bộ Y tế Indonesia sẽ phối hợp với các nhà điều tra của WHO để tiến hành điều tra vụ việc này. Các trường hợp tổn thương thận cấp do uống siro ho của hãng Maiden của Ấn độ đã khiến hơn 20 trẻ em ở thủ đô Jakarta tử vong trong năm nay. Lệnh điều tra được đưa ra sau khi nhà chức trách ở Gambia cho biết, gần 70 trẻ em đã tử vong vì tổn thương thận cấp sau khi uống siro ho và hạ sốt do công ty dược phẩm Maiden của Ấn Độ sản xuất.
Nguồn: vtv.vn
3.Uống trà giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Trà giúp phòng tránh và giảm nguy cơ tiểu đường type 2 theo nghiên cứu tổng hợp báo cáo tại Hiệp nghiên cứu đái tháo đường châu Âu. Người uống 1-3 tách trà hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 là 4% so với người không uống. Người uống từ 4 tách trà hàng ngày có thể phòng tránh căn bệnh này 17%. Không có sự khác nhau khi xét về loại trà (trà đen, trà xanh, trà ô long), giới tính và khu vực sinh sống của mẫu nghiên cứu.
Nguồn: vnexpress.net
VIỆT NAM
1. Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể BA.5.1.7
Trước thông tin Trung Quốc đã ghi nhận biến thể phụ mới của Omicron là BA.5.1.7, có khả năng lây nhiễm cao và né tránh miễn dịch, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vẫn đang giám sát ngẫu nhiên ca mắc COVID-19 tại Việt Nam nhưng đến nay chưa ghi nhận chủng biến thể này.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
2. Rối loạn tâm thần vì áp lực 'con ngoan trò giỏi'
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm mỗi năm là 0,3-7,8% ở trẻ dưới 13 tuổi, 1-2% ở tuổi 13 và 3-7% ở tuổi 15. Sau hai năm đại dịch, sự suy giảm sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên gia tăng trên toàn cầu, đến mức nhiều chuyên gia và bác sĩ cho rằng đây là tình trạng y tế khẩn cấp. Lý do là mức độ gia tăng của bệnh tâm thần, sự thiếu hụt nghiêm trọng các nhà trị liệu cùng các phương pháp điều trị và không đủ nghiên cứu để giải thích cuộc khủng hoảng này.
Tại Việt Nam, có nhiều nghiên cứu về trầm cảm, nhưng chủ yếu thống kê thông qua các thang điểm, điều tra, dùng bộ câu hỏi, được tiến hành nhờ các nhà giáo dục, tâm lý, không dựa vào lâm sàng. Còn nghiên cứu về trầm cảm bằng y khoa, chẩn đoán, hiện chưa có số liệu.
Nguồn: Nguồn: vnexpress.vn
3. Viêm tai ứ dịch - Nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Viêm tai ứ dịch là một loại viêm tai giữa màng nhĩ đóng kín, viêm mạn tính, hay tái diễn. Bệnh hay gặp ở trẻ em và cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến trẻ ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)