Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Hưởng ứng ngày tâm thần thế giới: ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc
Ngày 10 tháng 10 năm 2024, ngành Y tế cùng toàn thể cộng đồng hưởng ứng Ngày Tâm Thần Thế Giới, với mục tiêu nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trong môi trường làm việc. Chủ đề năm nay "Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chú trọng đếnsức khỏe tâm lý trong các tổ chức, doanh nghiệp, và đảm bảo người lao động nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Ảnh: Căng thẳng thần kinh là vấn đề thường gặp nhất ở môi trường làm việc có áp lực lớn
Tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là một phần thiết yếu của sức khỏe tổng thể. Tại nơi làm việc, tình trạng căng thẳng kéo dài, áp lực về thời gian và khối lượng công việc có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như rối loạn lo âu, trầm cảm, kiệt sức (burnout) và các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe tinh thần. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà còn làm giảm năng suất lao động, tăng tỉ lệ nghỉ việc và gây tổn hại đến hoạt động của doanh nghiệp.
Khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới
Năm 2022, WHO đã đưa ra một loạt khuyến nghị nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, tập trung vào ba lĩnh vực chính:
1. Phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần
WHO khuyến nghị doanh nghiệp áp dụng các chiến lược để giảm thiểu các yếu tố gây căng thẳng tại nơi làm việc. Bao gồm việc giảm tải công việc quá mức, cải thiện văn hóa doanh nghiệp, và tạo ra không gian làm việc an toàn về mặt tinh thần. Phòng ngừa là bước đầu quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm.
2. Can thiệp sớm và hỗ trợ người lao động
WHO khuyến khích việc đào tạo, tập huấn cho các nhà quản lý và lãnh đạo để nhận diện sớm các dấu hiệu của căng thẳng hoặc các vấn đề tâm lý khác ở nhân viên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có các chương trình hỗ trợ tâm lý (Employee Assistance Programs - EAPs), cung cấp dịch vụ tư vấn và điều trị cho người lao động có nhu cầu. Việc hỗ trợ sớm sẽ giúp giảm thiểu tác động của các vấn đề tâm thần lên năng suất và chất lượng cuộc sống của người lao động.
3. Xây dựng môi trường làm việc hỗ trợ và không kỳ thị
WHO nhấn mạnh sự cần thiết của việc xóa bỏ kỳ thị liên quan đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Điều này có thể đạt được thông qua giáo dục và nâng cao nhận thức, giúp nhân viên và lãnh đạo hiểu rằng các vấn đề tâm thần là phổ biến và có thể điều trị được. Một môi trường không kỳ thị sẽ giúp người lao động cảm thấy an toàn khi chia sẻ về tình trạng sức khỏe tinh thần của mình, đồng thời nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Nhân viên y tế và sức khỏe tâm thần
Nhân viên y tế là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm thần do khối lượng công việc lớn, giờ làm việc kéo dài, và áp lực trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp. Những yếu tố này có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
Nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, trong thời gian vừa qua ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án EpiC của tổ chức FHI360 Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tập trung vào việc cải thiện môi trường làm việc và cung cấp dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho đội ngũ nhân viên y tế như: ‘‘Tổ chức lớp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho 50 lãnh đạo ngành y tế; Tổ chức 3 buổi toạ đàm trực tuyến về chăm sóc sức khỏe tâm thần với hơn 200 điểm cầu kết nối là các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu truyền thông chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế; …’’ Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần cho các y, bác sĩ mà còn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Hưởng ứng Ngày Tâm Thần Thế Giới 2024, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, nơi sức khỏe tâm thần của người lao động được ưu tiên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân mà còn mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và xã hội. Sức khỏe tinh thần là nền tảng để mỗi người phát huy hết tiềm năng, và là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững trong tương lai.
Trương Lê Nguyễn – Khoa Dinh dưỡng – Bệnh Không lây
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.who.int/news-room/commentaries/detail/mental-health-in-the-workplace
2. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mental-health-at-work
3. WHO guidelines on mental health at work. Geneva: World Health Organization; 2022.