Warning: unlink(data/cache/c8d24288b446d5de412d29d5e2b96156d90b46d1.html): No such file or directory in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 102
HỎI ĐÁP VỀ LUẬT PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI RƯỢU BIA VÀ TÁC HẠI CỦA NÓ (Dành cho cán bộ viên chức người lao động)
Rượu bia là chất hướng thần với đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Rượu bia được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều nền văn hóa qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu bia ở mức nguy hại sẽ gây ra nhiều bệnh tật dẫn đến gánh nặng lớn về kinh tế và xã hội.
Câu 1: Thế nào là một đơn vị cồn tiêu chuẩn (Standard drink)?
Cho đến nay, 50 quốc gia đã định nghĩa đơn vị tiêu chuẩn tính theo gam chất cồn tuyệt đối. Theo đó, 10 gam là mức phổ thông nhất cho 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn (tại 26 quốc gia). Đơn vị cồn được tính bằng công thức sau:
Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x (Nồng độ (%) x Khối lượng riêng)
Ví dụ: Cốc bia 0,33 lít với nồng độ cồn 4% với khối lượng riêng của cồn nguyên chất là 0.793g/cm3 (ở 200C) sẽ có 10.4g đơn vị cồn.
Như vậy, 1 đơn vị tiêu chuẩn (10 gam cồn nguyên chất) tương đương với 3/4 chai hoặc một lon bia 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); 1 ly bia hơi 330 ml hoặc 1 ly rượu mạnh 30 ml (40%).
Câu 2: Như thế nào gọi là uống rượu bia ở mức nguy hại (heavy episodic drink)?
Uống rượu bia ở mức nguy hại được định nghĩa là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên (6 đơn vị cồn trở lên). Uống rượu bia ở mức nguy hại là 1 trong những chỉ số quan trọng nhất phản ánh hậu quả cấp tính về sức khỏe và xã hội của việc sử dụng rượu bia, ví dụ như thương tích.
Câu 3: Uống bia có ít gây hại cho sức khoẻ hơn uống rượu (rượu vang, rượu mạnh..) hay không?
Không. Tác hại đối với sức khỏe chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng hay uống ở mức nguy hại).
Câu 4: Sử dụng rượu bia có thể gây ra những bệnh gì?
Năm 2016, Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu đã kết luận ngưỡng an toàn cho sức khỏe là không uống. Cần thay đổi quan điểm lâu nay về lợi ích sức khỏe mà rượu bia đem lại bởi hiện nay các phương pháp nghiên cứu và phân tích tiến bộ hơn tiếp tục cho thấy sử dụng rượu bia góp phần gây ra gánh nặng lớn bệnh tật và tử vong trên toàn cầu.
Rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích. Rượu bia là chất hướng thần với những đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Uống rượu bia có liên quan tới nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe như rối loạn tâm-thần kinh, hành vi, bao gồm rối loạn sử dụng rượu bia (AUD), các bệnh không lây nhiễm, thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông. Một số bệnh/ thương tích chính do sử dụng rượu bia gồm:
1. Bệnh tim mạch. Sử dụng rượu bia tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch như: đột quỵ, suy tim, cao huyết áp và phình động mạch chủ.
2. Bệnh tiêu hóa/rối loạn tiêu hóa. Tiêu thụ rượu quá mức gây tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính.
3. Ung thư. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp rượu bia vào nhóm chất gây ung thư. Sử dụng rượu bia là nguyên nhân liên quan tới: Ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại-trực tràng, gan, mật và ung thư vú.
4. Thương tích. Một tỷ lệ lớn gánh nặng bệnh tật do sử dụng rượu bia phát sinh từ những thương tích không chủ ý và cố ý, gồm tai nạn giao thông, bạo lực và tự tử, các thương tích gây tử vong liên quan đến rượu bia xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi tương đối trẻ. Rượu bia được xác định là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Trong năm 2016, tử vong do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia chiếm 41% tổng số ca tử vong do thương tích có liên quan đến rượu bia.
5. Rối loạn sử dụng rượu bia (AUD). Rối loạn sử dụng rượu bia là một bệnh mạn tính của não bộ với các đặc trưng: người bệnh cảm thấy bắt buộc phải sử dụng rượu bia, không kiểm soát được lượng uống và rơi vào tâm trạng tiêu cực khi không sử dụng. Năm 2016, trên thế giới 283 triệu người từ 15 tuổi trở lên (chiếm 5.1% người trưởng thành) bị rối loạn sử dụng rượu bia.
Câu 5: Quy định cấm trong luật phòng chống tác hại rượu, bia
Nhằm giảm tác hại của việc sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân, phòng ngừa tai nạn giao thông và các tác động đến kinh tế, xã hội. Ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, và có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định 5 điều cấm sau:
Thứ nhất: Cấm ép buộc người khác uống rượu, bia: Khoản 1 Điều 5 Luật quy định cấm hành vi: “Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”. Hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia có thể hiểu là hành vi rủ rê, ép người khác uống không theo ý muốn của họ hoặc là hành vi thách đố nhau uống rượu, bia.
Thứ hai: Đã uống rượu, bia thì không lái xe: Điều 5 của Luật có 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý là nghiêm cấm hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, chỉ cần người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu có nồng độ cồn (tức có uống rượu, bia) là đã vi phạm, và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật,chứ không cần phải có nồng độ cồn vượt mức so với quy định trước đây. Quy định này nhằm giảm thiếu đến mức thấp nhất những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe sử dụng rượu, bia thiếu ý thức, không tuân thủ pháp luật trong thời gian qua.
Thứ ba: Không quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ trong thời gian từ 18-21 giờ. Theo quy định, việc quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị nghiêm cấm. Trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ phải tuân thủ các quy định: “Không quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18- 21 giờ hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ”.
Thứ tư: Tổ chức, cá nhân kinh doanh không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia. Rượu, bia là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, nên cần có quy định để quản lý hoạt động tài trợ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Điều 14 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia thực hiện tài trợ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tài trợ và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia”.
Thứ năm: Phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Khoản 5 Điều 32 của Luật quy định: “Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh"
Nguồn tham khảo:
[1] WHO. Global status report on alcohol and health 2018; 2018.
[2] WHO. Global strategy to reduce the harmful use of alcohol. 2010.
[3] Babor T, Caetano R, Casswell S, Edwards G, Giesbrecht N, Graham K, et al. Alcohol: No Ordinary Commodity. Research and Public Policy. Oxford, UK2010.
[4] WHO. Global status report on alcohol 2004. Geneva; 2004.
[5] WHO. WHO expert committee on problems ralated to alcohol consumption. Second report. Geneva; 2007.
[6] WHO. Alcohol in the European Union: Consumption, harm and policy approaches. 2012.
[7] Wood AM, Kaptoge S, Butterworth AS, Willeit P, Warnakula S, Bolton T, Risk thresholds for alcohol consumption: combined analysis of individual-participant data for 599 912 current drinkers in 83 prospective studies. Lancet. 2018; 391(10129):1513–23
[8] WHO. Global status report on alcohol and health 2018; 2018.
[9] Luật 44/2019/QH14 của Quốc Hội ngày 14 tháng 6 năm 2019 về phòng, chống tác hại của rượu, bia;
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố