Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

TP.HCM: Mỗi địa phương cần chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh


Mỗi địa phương cần chủ động nghiên cứu giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành. Mỗi địa phương cùng thực hiện tốt sẽ góp phần rất lớn để kiểm soát dịch bệnh, giảm gánh nặng y tế cho Thành phố.

Đây là chỉ đạo của ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM tại buổi kiểm tra về hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP Thủ Đức. Tham gia đoàn kiểm tra còn có BS. CKII. Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế, bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, ThS. BS. Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), cùng đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường. Đoàn kiểm tra cũng đã đến làm việc và khảo sát thực tế tại UBND phường Hiệp Bình Chánh và một số địa điểm trên địa bàn phường.

Ảnh: Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh làm việc tại UBND TP Thủ Đức

Theo báo cáo nhanh, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TP Thủ Đức ghi nhận 1.037 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) và 672 ca bệnh tay chân miệng (TCM), giảm mạnh so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, số ca bệnh TCM trong tháng 6/2023 lại có xu hướng tăng cao hơn gấp 3,6 lần so với tháng 5/2023.

Với đặc điểm địa phương có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động, cũng như có nhiều bãi đất trống, nhiều công trình dự án lớn được triển khai với thời gian kéo dài, TP Thủ Đức đã thu hút số lượng lớn người dân từ các tỉnh thành khác đến sinh sống, học tập và làm việc. Điều này được nhận định là gây ra áp lực cho công tác kiểm soát nhà nước về các mặt, trong đó có lĩnh vực y tế, dịch bệnh dễ bùng phát nếu không được kiểm soát kịp thời.

Để chủ động kiểm soát dịch bệnh, ngành Y tế TP Thủ Đức đã triển khai đồng thời nhiều biện pháp, từ giám sát điểm nguy cơ (ĐNC), phát hiện sớm ca bệnh để xử lý kịp thời, tổ chức các lớp tập huấn, đến đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho người dân qua nhiều kênh khác nhau và thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh theo Nghị định số 117/NĐ-CP.

Tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã nhấn mạnh đến vai trò của các tuyến y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Mỗi địa phương cùng thực hiện tốt hoạt động phòng, chống dịch bệnh sẽ góp phần cho công tác kiểm soát dịch bệnh, giám gánh nặng y tế cho cả Thành phố. Vì vậy, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh, việc học tập kinh nghiệm từ các đơn vị khác, mỗi địa phương cần chủ động nghiên cứu giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đối với công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, ông Dương Anh Đức yêu cầu các địa phương cần thực hiện truyền thông một cách ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu và dễ làm nhất, để từ đó tác động đến người dân, không chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành để tăng hiệu quả cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Theo ThS. BS. Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, TP Thủ Đức được đánh giá là một trong những trọng điểm về dịch bệnh SXH của TP.HCM. Hiện tại, TP Thủ Đức đã triển khai phân loại, giám sát ĐNC theo đúng hướng dẫn của HCDC. Tuy nhiên, để không bỏ sót ĐNC, địa phương cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm của hệ thống chính trị, ban điều hành các khu phố để phát hiện những ĐNC có khả năng gây dịch SXH.

Với những đặc thù về dân cư, TP Thủ Đức cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý trẻ nhập cư, hướng dẫn người dân thực hiện cập nhật thông tin của trẻ trên hệ thống quản lý tại nơi cư trú để tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh TCM cũng như tiêm chủng mở rộng cho trẻ. ThS. BS. Lê Hồng Nga cho biết vi-rút gây bệnh TCM có thể được kiểm soát, bất hoạt bằng các hóa chất khử khuẩn thông thường, nên nhà trường có thể sử dụng Javel hoặc xà phòng để lau rửa các bề mặt, khử khuẩn lớp học, đồ chơi của trẻ. Đặc biệt, nhà trường cần tập trung hướng dẫn trẻ hình thành thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, cũng như tập huấn cho giáo viên, người giữ trẻ chủ động phát hiện sớm các dấu hiệu trẻ mắc bệnh TCM để kịp thời xử lý, hạn chế nguy cơ lây bệnh cho các trẻ khác.

Ảnh: Đoàn công tác làm việc tại UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức

Ảnh: Kiểm tra thực tế điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức



Ảnh: Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh TCM tại trường Mầm non trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh


Câu hỏi liên quan