Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Hội nghị trực tuyến về tập huấn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi


Chiều ngày 31/03/2022, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tập huấn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để hướng dẫn công tác tổ chức tiêm chủng và khám sàng lọc trước tiêm cho trẻ ở lứa tuổi này. Chủ trì buổi hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ là hết sức quan trọng nhằm giúp bảo vệ sức khoẻ của trẻ, tạo sự an tâm cho phụ huynh cũng như bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Theo đó, đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ sử dụng 2 loại vắc xin là vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech và vắc xin Spikevax của Moderna. Cụ thể:

-Vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech: (Có nắp lọ vắc xin màu cam để phân biệt với vắc xin cho người lớn)

+Chỉ định: Cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

+Chống chỉ định: quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin

+Liều lượng, đường tiêm: tiêm bắp, liều 0,2ml.

+Lịch tiêm: 2 mũi, cách nhau 4 tuần.

-Vắc xin Spikevax của Moderna:

+Chỉ định: Cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi.

+Chống chỉ định: quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin.

+Liều lượng, đường tiêm: tiêm bắp, liều 0,25mL.

+Lịch tiêm: 2 mũi, cách nhau 4 tuần.

Đặc biệt lưu ý: Chỉ sử dụng một loại vắc xin phòng COVID-19 để tiêm đủ 2 mũi cho cùng 1 đối tượng trẻ. Cả 2 loại vắc xin này đều có thể gặp các tác dụng phụ phổ biến tương tự như đối với người lớn sau khi tiêm vắc xin như đau đầu, ớn lạnh, sốt,... và rất hiếm gặp các phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Theo buổi tập huấn, kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến sẽ triển khai từ tháng 4 năm 2022, ngay sau khi đơn vị tiêm được cung ứng vắc xin và triển khai ưu tiên tiêm cho trẻ theo thứ tự độ tuổi giảm dần. Các đơn vị tiến hành lập danh sách trẻ đủ điều kiện tiêm chủng theo chỉ định để được cung ứng vắc xin, bơm kim tiêm và hộp an toàn. Đối với các khâu tổ chức và xử trí phản ứng sau tiêm vẫn tuân thủ và duy trì như các quy định tiêm chủng trước đây. Ngoài ra, nội dung của phiếu khám sàng lọc cũng tương tự như các đợt tiêm trước theo quyết định số 5002/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 29/10/2021 về việc ban hành hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em. Trong đó, cần chú ý việc trì hoãn tiêm chủng ở trẻ mắc COVID-19 (hoãn 3 tháng kể từ ngày trẻ khởi phát bệnh) và trẻ có hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) (hoãn đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn). Sau buổi tiêm chủng, trẻ sẽ được yêu cầu theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Qua đó, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm nhằm có biện pháp xử trí kịp thời và hiệu quả.

Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM


Câu hỏi liên quan