Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

“Đồng chí” trong cuộc chiến chống Covid - 19


“Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.”

(Trích từ bài thơ Đồng chí, tác giả Chính Hữu)

Ấy là tình đồng chí của những người lính Việt Bắc thời chống Pháp. Gần một thế kỷ sau, hai câu thơ ấy lại được cất lên bởi những con người trong Khu Cách ly tập trung tạm thời quận Tân Bình. Bởi vì họ giống như là đồng chí năm 2020 trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Từ khắp bốn phương trời, những du học sinh, khách du lịch, Việt kiều,... tụ tập về một nơi cùng với những cán bộ y tế cùng thực hiện một nhiệm vụ chung là phòng chống dịch COVID 19. Mỗi sáng những combo bánh mì + cà phê của cửa hàng tiện lợi rôm rả trên diễn đàn khu cách ly. Ấy là cái cách gọi của những người trong khu cách ly tập trung này, những người không hề biết mặt nhau mà chỉ nhìn thấy nhau hạn chế qua những chiếc khẩu trang.

Ngày thường chúng ta có thể chỉ lướt qua nhau trên đường, thoáng thấy tên nhau trên mạng xã hội rồi tiếp tục lướt, cuốn theo dòng chảy xô bồ của cuộc sống hiện đại. Vậy mà trong giai đoạn nhà nhà đóng cửa, có nơi bị phong tỏa, sự ngăn cách lớn lên thì chúng ta lại xích gần nhau hơn, những group chat Zalo trong khu cách ly được tạo ra và bỗng nhiên những người lạ phương xa và nhân viên y tế trở thành một gia đình.

14 ngày cách ly tưởng dài nhưng ngắn một khi đã quen với nếp sống ở đó. Nếu những người đang cách ly sợ một thì các cán bộ y tế phải sợ mười, vì họ phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, và khi người cách ly trở về gia đình thì những cán bộ y tế phải tiếp tục ở lại hỗ trợ hết mình những người khác. Một số cán bộ chưa quen với công việc cũng mang theo mình biết bao lo lắng như đồ bảo hộ có an toàn không, trang thiết bị có đủ đáp ứng nhu cầu không, sức khỏe người đang cách ly như thế nào,... Âu cũng là nỗi lo lắng của tất cả mọi người, kể cả những cán bộ y tế dày dạn kinh nghiệm. Những nụ cười ánh lên trong đôi mắt người dân (vì ai cũng đeo khẩu trang) chính là nguồn năng lượng để các cán bộ nỗ lực hơn, bất chấp những khó khăn tiện nghi và sức khỏe.

Đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh sẵn sàng nhận nhiệm vụ 24/24

Ngoài việc thăm hỏi, kiểm tra và chăm sóc sức khỏe người cách ly thì những cán bộ y tế còn phải hướng dẫn quy trình cách ly, hướng dẫn các bước rửa tay, giữ gìn vệ sinh bản thân và phòng cách ly với một sự thân ái như với khách tới nhà. Người cách ly cũng động viên nhau cùng thực hiện theo nhân viên y tế hướng dẫn và cũng thường xuyên động viên cán bộ y tế cùng giữ gìn sức khỏe. Diễn đàn khu cách ly luôn thể hiện một sự lạc quan, nồng ấm tình người, mọi người cùng bảo nhau luôn phải lạc quan, cảnh giác nhưng không hoảng loạn, không để bị chi phối bởi những tin đồn thất thiệt. “Khó khăn, vất vả chúng tôi không ngại, mà quan trọng nhất là người dân hiểu, tin tưởng cùng phối hợp chống dịch”, Bs. Nguyễn Thanh Trang- Giám đốc Trung tâm y tế quận chia sẻ.

Ảnh: truyền thông, hướng dẫn người dân Việt Nam và người nước ngoài các biện pháp phòng dịch, trách nhiệm thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe

Kết thúc thời hạn 14 ngày cách ly, ai nấy đều trở về gia đình, nhưng quãng thời gian đeo khẩu trang kế bên nhau đã trở thành một kỷ niệm khó phai, và mọi người vẫn giữ liên lạc với nhau, trở thành bạn bè trong mùa dịch căng thẳng. Những tin nhắn vẫn được gửi đi mỗi ngày, động viên những người cán bộ y tế, những “chiến sĩ thầm lặng” đang tiếp tục chiến đấu trên tiền tuyến vì lợi ích của cộng đồng.  

Ảnh: Lời nhắn cám ơn, động viên các y – bác sĩ tại Khu Cách ly tập trung quận Tân Bình

 Trung tâm Y tế quận Tân Bình


Câu hỏi liên quan