Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

HỎI ĐÁP VỀ BỆNH CÚM A/H5N1


(Tài liệu dành cho người chăn nuôi)

1. Cúm gia cầm có lây sang người hay không?

Bệnh cúm gia cầm xảy ra trên các loài gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi, đặc biệt có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người.

2. Vi-rút Cúm gia cầm có ở đâu?

Vi-rút có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, có nhiều trong phân, dịch tiết như nước mũi và nước bọt của con vật mắc bệnh.

3. Vi-rút Cúm gia cầm có thể tồn tại trong bao lâu?

Vi-rút thường sống lâu hơn trong không khí ở độ ẩm thấp và trong phân ở điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Vi-rút có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh.

4. Bệnh Cúm gia cầm nguy hiểm như thế nào?

Bệnh thường tiến triển nhanh, lây lan rộng, tỷ lệ chết cao trên gà. Đặc biệt, bệnh có thể lây từ gia cầm sang người.

5. Các dấu hiệu nào để nhận biết gia cầm mắc bệnh?

Gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 đến 03 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của vi rút. Gà thường biểu hiện triệu chứng: Đi không bình thường, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh.

Vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.

6. Trường hợp cần xét nghiệm bệnh cúm gia cầm trên động vật, tôi có thể xét nghiệm ở đâu tại TP. Hồ Chí Minh?

Phòng thử nghiệm nông nghiệp được công nhận xét nghiệm bệnh Cúm gia cầm trên động vật bao gồm:

- Trạm Chẩn đoán xét Nghiệm và Điều trị bệnh động vật, Trực Thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.Hồ Chí Minh. (Địa Chỉ: 128 Trần Quý, Phường 6, Quận 11, TP.Hồ Chí Minh. Điện thoại: 028 38551 258).

- Chi cục Thú y Vùng VI. (Địa Chỉ: 521/1 Hoàng Văn Thụ, P.4, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Điện Thoại: 028. 38118 302)

7. Người chăn nuôi gia cầm hoặc có tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm cần làm gì?

Chúng ta cần thực hiện tốt phòng hộ cá nhân hằng ngày, đặc biệt phải đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà bông, sát trùng thường xuyên.

8. Tại khu vực phát hiện ổ dịch Cúm gia cầm cần làm gì?

Thông báo dịch bệnh động vật cho nhân viên thú y cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất để được hướng dẫn thực hiện tiêu độc khử trùng và xử lý theo đúng quy định.

9. Đối với gia cầm bị bệnh cần xử lý như thế nào?

- Tiêu hủy đàn gia cầm khi phát hiện mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao; Đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao;

- Xử lý gia cầm bị bệnh chết bằng hai biện pháp chôn hoặc đốt.

- Việc chôn, đốt phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu hủy gia cầm phải có trang bị bảo hộ phòng lây nhiễm.

10. Biện pháp chôn hoặc đốt gia cầm bệnh chết như thế nào?

Xử lý gia cầm bị bệnh chết bằng hai biện pháp chôn hoặc đốt.

- Đốt: Đào hố, đốt dưới hố với củi, rơm rạ hoặc dầu, sau đó lấp đất lại và hoặc đốt bằng lò đốt chuyên dụng.

- Chôn: Sau khi đào hố, rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 01 kg vôi /m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao chứa phải dày ít nhất là 1 m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.

Việc chôn, đốt phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu hủy gia cầm phải có trang bị bảo hộ phòng lây nhiễm.

11. Các trại chăn nuôi, các chuồng gia cầm gần ổ dịch phải làm gì?

- Xử lý gia cầm mắc bệnh đối với đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao;

- Báo cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn, quản lý, thực hiện tiêu độc khử trùng, tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng.

12. Những biện pháp nào giúp phòng bệnh Cúm gia cầm cho người chăn nuôi?

- Khi nhập con giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh.

- Thực hiện việc kê khai đăng ký chăn nuôi với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để được theo dõi, hỗ trợ kịp thời.

- Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm và các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo quy định và khuyến cáo của cơ quan thú y nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm.

- Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh phòng bệnh như: vệ sinh sát trùng chuồng trại định kỳ, kiểm soát người ra vào khu vực chăn nuôi, tránh để gia cầm nuôi tiếp xúc loài chim và gia cầm khác nhằm tránh lây lan mầm bệnh.

- Chủ động giám sát đàn gia cầm nuôi, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện gia cầm có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y để được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân mắc bệnh.

 

-> TẢI FILE PDF TẠI ĐÂY <-

Hoài Thương, Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

 


Câu hỏi liên quan