Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh lao phổi
Bệnh Lao phổi là một bệnh lây truyền qua không khí. Vì thế khi chăm sóc bệnh tại nhà cần lưu ý: Cách ly người bệnh với những thành viên khác trong gia đình; Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người thân trong gia đình; Không tiếp xúc với trẻ em hay những người có hệ miễn dịch kém; Không đến những nơi công cộng, đông người, hạn chế các cuộc gặp gỡ không thật sự cần thiết.
Nghỉ ngơi: Ngủ đủ mang lại hiệu quả nghỉ ngơi tốt nhất. Thời gian ngủ lý tưởng của bệnh nhân lao phổi là trưa ngủ 1-2 tiếng, tối ngủ 7-8 tiếng. Cần phải cho bệnh nhân tắm giặt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thay quần áo mỗi ngày. Có thể hỗ trợ nếu người bệnh không làm được nhưng cần đeo khẩu trang cẩn thận để tránh lây nhiễm. Khi đã vào giai đoạn ổn định, có thể thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng như tập thể dục, đọc sách, đi dạo nhưng tránh nơi đông người. Khi chăm sóc người bệnh tại nhà các bạn cần phải đưa bệnh nhân đi khám bệnh định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra tình trạng của bệnh lý. Việc kiểm tra tình trạng bệnh lý chủ yếu dựa vào kiểm tra xét nghiệm đờm là chủ yếu. Thời gian xét nghiệm đờm để kiểm tra theo các mốc đó là sau 2-3 tháng, sau 4 tháng và sau 6-8 tháng điều trị tùy theo phác đồ.
Người bệnh phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị. Tránh lây nhiễm lao cho người xung quanh bằng cách: Dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho; Không khạc nhổ bừa bãi. Khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh: thông khí tự nhiên (cửa ra vào, cửa sổ, ô thoáng), có ánh nắng. Thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.
Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho người mới bệnh thì mới giúp tăng hiệu quả điều trị và đẩy mạnh tiến độ hồi phục. Các chất dinh dưỡng sau cần thường xuyên có mặt trong bữa ăn của người bệnh Lao như bổ sung kẽm từ thịt bò, gan, hạt bí ngô. ngũ cốc, hạt hướng dương…Vitamin A, E, C: trong rau, củ, quả, cá biển, thịt, gan; Sắt có trong mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành hay lòng đỏ trứng…; Vitamin K, B6 có nhiều trong rau xanh, gan, thịt lợn, đậu, đỗ, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt… Người bệnh lao phổi có thể trạng kém, chán ăn do tác dụng phụ từ thuốc do vậy cần phải đa dạng các món ăn, lựa chọn những món ăn mà người bệnh thích đồng thời chia nhỏ các bữa ăn.
BS. Danh Thị Hồng Sa - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch