Tự tử ở người trẻ tuổi- Đau lòng thôi không đủ!
Trên thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi chỉ sau tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.
Hai cô bé còn rất trẻ, một tóc dài, một tóc ngắn, bước vào thang máy tòa nhà chung cư cao tầng trên vai đeo ba lô và tay cầm ván trượt. Trong mấy phút ngắn ngủi đi lên tầng 20, các em còn bình thản trò chuyện và vuốt tóc nhau. Không bao lâu sau, tiếng động mạnh do va đập dội lên, bảo vệ chung cư chạy ra đã thấy hai em nằm trên mặt đất... Đó là những gì mà truyền thông và mạng xã hội những ngày này đưa tin về hai thiếu nữ cùng nhau tìm dấu chấm hết ở tuổi 16 từ độ cao chết người trên tầng thượng chung cư. Đau lòng biết mấy! Nhưng ám ảnh hơn cả là những câu hỏi “vì sao”- Vì sao các em lại tìm đến cái chết? Vì sao điều này không thể ngăn chặn? Vì sao người thân và mọi người xung quanh các em không lường trước được nguy cơ?...
Hai cô bé trong thang máy chung cư ,thời điểm trước khi tử vong (Ảnh trích xuất từ camera)
Vị thành niên, người trẻ tìm đến cái chết do tâm lý hay bệnh lý?
TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Mai ( Bộ môn Nhi- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết : Theo số liệu của một vài nghiên cứu tại Việt Nam , tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Tuy đây chưa phải là nghiên cứu diện rộng mà chỉ trên nhóm nhỏ, điểm nhỏ, nhưng điều đáng nói là phần lớn nguyên nhân dẫn đến tự tử thường do hội chứng trầm cảm. Trẻ em, vị thành niên bị trầm cảm thường gặp trong các trường hợp gia đình có vấn đề như bố mẹ ly hôn, bản thân trẻ gặp khó khăn, thất bại trong tình yêu, quan hệ bạn bè, học tập, bị lạm dụng tình dục... Ngoài ra, các căn bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tự sát ở tuổi vị thành niên.
Ngày nay, xã hội hiện đại cũng đem đến những nguy cơ khác như sự tràn lan của các video độc hại trên youtube hướng dẫn treo cổ, cắt tay, tự tử theo những cách thức đặc biệt khiến nhiều trẻ xem và học theo. Trẻ có thể bị dẫn dắt khi vô tình tham gia các nhóm kín trên mạng và bị nhiễm những suy nghĩ lệch lạc về cái chết. Đáng lo ngại hơn nữa là thực trạng sử dụng nghiện chất ở trẻ vị thành niên, thanh niên. Ma túy có thể dẫn tới ảo giác, hoang tưởng và dẫn tới những hành vi tự hủy hoại.
TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai
Làm sao để nhận biết một người muốn tự sát?
Trong thực tế khám chữa bệnh, TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai rất thường gặp cảnh, con bị trầm cảm nhưng phụ huynh lại thấy là “bình thường”, thậm chí đứa trẻ có ý định tự sát, từng rạch tay rất nhiều nhát mà bố mẹ chỉ coi là biểu hiện của sự thiếu nhận thức, học đòi theo bạn bè. Đó chính là sai lầm đáng tiếc của các bậc phụ huynh, người lớn.
Trầm cảm là một hội chứng gồm các triệu chứng, dấu hiệu về rối loạn cảm xúc, tâm thần, hành vi. Đó có thể là : Cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; Mệt mỏi; Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích; Bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng; Giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân; Không thể tập trung, hoặc suy giảm trí nhớ; Không thể ngủ, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều; Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn; Muốn chết, có ý nghĩ tự sát, cố gắng tự sát; Có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể... Đối với trẻ vị thành niên, đôi khi triệu chứng ẩn sau các dấu hiệu như cáu kỉnh, giận dữ, không hợp tác khiến trẻ bị hiểu lầm là “sự nổi loạn của lứa tuổi ẩm ương”. TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai khuyên cha mẹ nên nghĩ tới trầm cảm khi thấy con mình có biểu hiện giảm chú ý, học tập sa sút, ít hoạt động, thu mình, hay có hành vi chống đối. Buồn bã, chán nản là cảm xúc thông thường của con người. Nhưng nếu thấy trẻ buồn bã kéo dài trên 2 tuần và điều này ảnh hưởng rõ ràng tới các chức năng của cơ thể, ảnh hưởng tới hoạt động, làm việc, học tập của trẻ thì đó là bệnh lý trầm cảm. Đôi khi trẻ bị trầm cảm phàn nàn về tình trạng đau đầu, đau bụng hoặc đau các vị trí khác trên cơ thể. Hoặc trẻ tự làm đau bản thân, có ý tưởng, hành vi tự sát.
Tuy nhiên, BS. Mai cũng nhấn mạnh rằng, rất ít trẻ nói ra ý định tự sát của mình cho bố mẹ biết. Có trường hợp trẻ nói ra, viết ra lại vấp phải sự thờ ơ của người lớn vì suy nghĩ “ nó không dám làm đâu” hoặc “ chỉ nói vớ vẩn thôi”. Cần phải nghi ngờ trẻ có ý định tự tử nếu trẻ có các biểu hiện sau: Trẻ luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng; Trẻ cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như: tích trữ thuốc ngủ,thuốc trừ sâu, chuẩn bị dây, dao lam ...; Trẻ bỗng nhiên có những hành vi bất thường: dặn dò bạn bè, mặc quần áo đẹp, tự nhiên trò chuyện tình cảm với mọi người sau thời gian dài không giao tiếp với xung quanh.
Có thể ngăn ngừa được hành vi tự sát?
Nếu được nhận biết, hỗ trợ và can thiệp kịp thời, những cái chết do tự sát ở người trẻ sẽ không còn là nỗi ám ảnh
Tự sát phần nhiều có liên quan đến trầm cảm. Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai, điều đáng mừng đây là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả trong thời gian không lâu nếu được phát hiện sớm.Ở đây vai trò của người lớn bên cạnh trẻ rất quan trọng. Cha mẹ nên quan tâm tới con cái và cùng con chia sẻ với các vấn đề trong cuộc sống. Trẻ được chia sẻ và hướng dẫn tháo gỡ các vấn đề gặp phải sẽ không có tâm lý bi quan hay cực đoan. Ngoài ra, nếu kết nối giữa cha mẹ với con cái không được hoàn hảo mà điều này là thực tế thường gặp thì xã hội cần mở ra những cánh cửa khác cho trẻ có thể trao đổi về những vấn đề của mình. Theo đánh giá của chuyên gia, ở Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ sở tư vấn tâm lý trẻ vị thành niên sẵn có, tại các trường học hoặc bố trí ở từng khu vực, cộng đồng dân cư. Các hình thức tư vấn trực tuyến với mục đích ngăn ngừa tự sát cho trẻ vị thành niên, người trẻ cũng còn thiếu. Nhiều bậc cha mẹ chưa có nhận thức đúng về trầm cảm và tự sát để có thể có ứng xử thích hợp. TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai khuyên phụ huynh nên đưa con đi khám chuyên khoa tâm thần ngay khi nghi ngờ con cái có vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Bởi trẻ có thể khó khăn khi chia sẻ với bố mẹ nhưng với các chuyên gia lại dễ dàng hơn nhiều. Đừng để, những cái chết do tự sát ở trẻ vị thành niên tiếp tục xảy ra trong sự bất ngờ đầy đau đớn của người lớn!
Lê Minh Thúy
Nguồn: suckhoedoisong.vn