Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Từng bước xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV


Cho dù đã trải qua hơn 20 năm phòng, chống AIDS với rất nhiều nỗ lực, HIV vẫn còn là một trong những vấn đề y tế công cộng nhức nhối nhất tại Việt Nam. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan đến thái độ của xã hội đối với người nhiễm HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử đang tiếp tục cản trở khiến những nhóm dân dễ bị tổn thương không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cản trở bước tiến của những hoạt động phòng, chống HIV.

Ngược dòng thời gian về 10 năm trước

Năm học 2009 - 2010 tại một trường Tiểu học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, 15 em nhỏ có HIV khi được đưa đến trường nhập học đã bị phụ huynh học sinh chặn không cho vào trường. Họ còn kéo lên UBND huyện yêu cầu không cho các em có HIV được học tại trường.

Anh L.V.A, một trường hợp nhiễm “H” từ năm 2001. Anh nhớ rõ cảm giác lần đầu trở về nhà, người thân trong gia đình ngại không ăn cơm chung, mấy đứa cháu nhìn anh sợ hãi… Anh chia sẻ, đối mặt với sự kỳ thị quá nghiệt ngã, nỗi đau thể xác và sự xa lánh của người thân, xóm làng khiến anh suy sụp. Những ngày sau đó là khoảng thời gian anh sống trong u tối, bế tắc, mất phương hướng.

Chị N.T.T - một bà mẹ đơn thân rất cố gắng tìm chỗ gửi con gái lên 3 tuổi để có thời gian đi làm kiếm tiền trang trải chi tiêu gia đình nhưng đến đâu cũng bị đáp lại bằng những cái lắc đầu, vì con gái chị không may mang trong người vi-rút HIV. Chị T tâm sự, nhiều hội viên của CLB mà chị tham gia có con, dù không mắc bệnh nhưng vẫn rất khó hòa nhập cộng đồng. Có cháu không được đăng ký ăn trưa ở trường mặc dù có lớp bán trú. Có cháu đi học phải ngồi một mình ở cuối lớp...

Mặc dù những năm về trước, Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng xác định rằng, tuy bị nhiễm HIV nhưng người “có H” vẫn có đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ như những công dân bình thường khác, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều người nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử một cách nặng nề, tàn nhẫn. Nhiều người “có H” trong tuổi lao động đang không được học nghề, không có công ăn việc làm và có những người trong số đó bị hắt hủi, xa lánh hoặc sống lay lắt, cùng cực.

Sự hoài nghi, phân biệt đối xử đã giảm nhưng vẫn còn

Những năm gần đây, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV vẫn còn phổ biến trong cộng đồng. Vẫn có rất nhiều bằng chứng mới được thu thập về việc nhiều người nhiễm HIV còn đang bị cô lập và chối bỏ ngay trong chính gia đình của mình, cũng như trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội. Các bằng chứng cũng cho thấy việc phát hiện nhiễm HIV có thể dẫn đến bị mất việc làm, mất quyền sở hữu tài sản, không được nhận vào trường học... Người nhiễm HIV còn bị bạo hành, bị từ chối cung cấp các dịch vụ y tế hay dịch vụ trợ giúp xã hội, và gặp khó khăn trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý.

Với những người đã biết mình bị nhiễm HIV, do e ngại tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử còn tồn tại ở nhiều cơ sở y tế, trường học và trong cộng đồng, họ sẽ không dám tiết lộ tình trạng nhiễm của bản thân với vợ/chồng hay gia đình và bạn bè thân thiết. Đồng thời, họ cũng sẽ dễ trì hoãn hay thậm chí từ chối được đưa vào chăm sóc và điều trị HIV. Những người nhiễm HIV chấp nhận phải đi rất xa nơi đang sinh sống để tìm đến các cơ sở chăm sóc và điều trị với những người cán bộ y tế họ không hề quen biết, cốt sao tránh khỏi việc lộ thông tin với bà con chòm xóm về tình trạng nhiễm HIV của bản thân. Họ sợ thông tin cá nhân không được cơ sở y tế ở địa phương mình bảo mật. Nhiều người chỉ tìm đến điều trị khi đã ốm nặng và không thể giấu được các triệu chứng của bệnh tật.

Mở lòng với những người “có H”

Việc kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn tiếp tay cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng. Những người nhiễm HIV e sợ thái độ kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử sẽ tránh né xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV.

Hiện nay, người sống chung với HIV hoàn toàn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc như những người không có HIV khác trong xã hội nếu được phát hiện kịp thời và tuân thủ điều trị HIV bằng thuốc kháng vi-rút (ARV). Bên cạnh việc chăm lo cho sức khỏe bản thân, người có HIV có thể chủ động dự phòng lây truyền HIV cho người khác khi tình trạng nhiễm HIV của họ được kiểm soát dưới ngưỡng phát hiện (K=K hay Không lây phát hiện = Không lây truyền, ý chỉ việc người sống chung với HIV khi tuân thủ điều trị ARV có thể giảm tải lượng vi-rút xuống dưới mức 200 bản sao/ml máu thì không còn khả năng lây truyền cho người khác).

Vì vậy, tất cả chúng ta hãy chung tay hỗ trợ người nhiễm HIV và những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, cùng mở lòng, chia sẻ, đồng cảm với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất để kỳ thị và phân biệt đối xử chỉ còn là quá khứ. Đồng lòng, chúng ta sẽ xóa bỏ được kỳ thị và phân biệt đối xử. Đồng lòng, chúng ta sẽ kết thúc được dịch AIDS!

Yến Thư - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Tổng hợp)


Câu hỏi liên quan