Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Công bố dịch Covid-19 toàn quốc: Sự cương quyết của các cấp chính quyền


Ngày 1/4/2020, Thủ tướng đã ra quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch trên toàn quốc. Việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc thể hiện sự cương quyết của Chính phủ, các cấp, nghành, các địa phương.  

Ảnh: Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo quyết định thì tên dịch bệnh là COVID-19, địa điểm và quy mô là toàn quốc. Nguyên nhân do chủng mới của vi rút Corona gây ra (SARS – CoV2). Dịch được xếp loại bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý công bố dịch trên phạm vi toàn quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện mức độ nghiêm trọng, khả năng lây truyền nhanh và phát tán nhanh trong cộng đồng của dịch bệnh Covid-19.

Trước đó vào ngày 1/2/2020, Thủ tướng đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Quyết định này đã công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng nCoV gây ra. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch là Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa. Quyết định mới nhất được công bố là phạm vi cả nước.

Điều này phù hợp với các biện pháp mà chính phủ đã triển khai mà gần nhất là cách ly xã hội 15 ngày từ ngày 1/4/2020 trên phạm vi cả nước theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.

Quyết định công bố dịch do vi rút SARS-CoV-2 tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ cho thấy chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh. Việt Nam luôn ưu tiên sức khỏe của người dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế.

Mức độ cao hơn công bố dịch là ban bố tình trạng khẩn cấp. Tình trạng khẩn cấp được ban bố khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp (theo điều 42, Luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm). Thẩm quyền ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp là Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Việc công bố dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp huy động các nguồn lực để thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch. Triển khai một cách hiệu quả các hoạt động như mua sắm thiết bị y tế, hoặc có những hành động quyết liệt như cách ly xã hội, phong tỏa vùng dịch hay nhiều việc khác tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Ngoài ra, người dân cũng có nghĩa vụ tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch mà chính phủ yêu cầu.

Ảnh: người dân hạn chế ra đường, thực hiện các khuyến cáo về cách ly xã hội

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố

Nguồn tham khảo: Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007


Câu hỏi liên quan