Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

TP.HCM: Tăng cường công tác dự phòng, phát hiện sớm bệnh tay chân miệng


Số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có khuynh hướng gia tăng ở khu vực miền Nam cũng như TP. Hồ Chí Minh trong 2 tuần gần đây. Cùng với việc phát hiện vi-rút Enterovirus 71 là tác nhân gây bệnh, các chuyên gia cảnh báo bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp. Ngành Y tế đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Sáng ngày 02/6/2023 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức khẩn Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố do BS. CKII. Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế và TS. BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế đồng chủ trì. Hội nghị có sự tham gia của Trung tâm Kiểm soát bệnh bệnh tật Thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo của 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Tính đến ngày 28/5/2023, TP.HCM ghi nhận 1.670 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó nhóm trẻ từ 1-3 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 62%. Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh TCM cũng đã ghi nhận trường hợp dương tính với vi-rút Enterovirus 71 (EV71) - tác nhân gây nhiều biến chứng nguy hiểm. EV71 chính là tác nhân gây dịch nghiêm trọng vào năm 2011, 2018. EV71 lây lan nhanh và gây ra các trường hợp bệnh nặng, thậm chí tử vong.

Tại buổi giao ban, ThS. BS. Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đề nghị 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh TCM trong khối mầm non, đặc biệt lưu ý đến nhóm đối tượng nhà trẻ và các nhóm trẻ gia đình. Các đơn vị thực hiện giám sát, phát hiện sớm ca bệnh,  không để trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để hạn chế lây lan. Đồng thời, công tác truyền thông cần được tăng cường, tập trung nội dung phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và nhận biết bệnh chuyển nặng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố khẩn trương tổ chức tập huấn công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh TCM cho các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát lồng ghép dịch bệnh Sốt xuất huyết và tay chân miệng tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Phát biểu tại buổi giao ban trực tuyến, BS. CKII. Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở Y tế sẽ thực hiện rà soát, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các ban ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch TCM. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác dự phòng về theo dõi, giám sát, báo cáo, xử lý ca bệnh cũng như công tác tiếp nhận, điều trị TCM. Bên cạnh đó, thực hiện rà soát nhu cầu thuốc men phục vụ cho công tác điều trị TCM của các bệnh viện để xây dựng phương án cung ứng phù hợp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cần tập trung xây dựng các sản phẩm truyền thông về biện pháp phòng bệnh, rửa tay đúng cách, các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng, hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn nhà ở và các khu vực công cộng, khu vui chơi. Các cơ sở y tế, bệnh viện cần bố trí khu vực để thực hiện truyền thông phòng bệnh TCM cho bệnh nhân đến khám và điều trị tại đơn vị, thân nhân người bệnh.

Về phía các Trung tâm Y tế cần thực hiện tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện và triển khai giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh TCM tại trường học; tổ chức rà soát hoạt động của các nhóm trẻ gia đình để có sự triển khai đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch bệnh TCM; triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM trong cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

BS. CKII. Nguyễn Hữu Hưng cũng đề nghị Ngành Giáo dục có văn bản chỉ đạo các trường học rà soát lại các khuyến cáo phòng bệnh TCM của Ngành Y tế; bố trí các bồn rửa tay, xà phòng, khăn lau tay, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách; tăng cường truyền thông cho người chăm sóc trẻ, giáo viên, người nhà của trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Người chăm sóc trẻ rất cần rửa sạch tay vì họ là người mang mầm bệnh lây cho trẻ. Ngành Giáo dục cùng với Ngành Y tế tổ chức đoàn kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng bệnh tại trường học.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh


Câu hỏi liên quan