Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Phòng chống Sốt xuất huyết ngay từ mùa khô, góp phần phòng chống Covid-19


Vào lúc này rất nhiều người trong chúng ta mong muốn những cơn mưa, cơn mưa giải nhiệt cho Thành phố sau những ngày nắng nóng. Tuy nhiên cơn mưa cũng mang lại những lo lắng cho người làm công tác chống dịch. Mùa mưa sắp đến đồng nghĩa với mùa dịch Sốt xuất huyết sắp đến.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh một người mẹ lặng lẽ, lụi cụi công việc, chị đi vào đi ra nhưng mắt chị không nhìn chúng tôi, dường như không để ý gì đến đoàn kiểm tra đến thăm căn nhà có bệnh nhân chết vì Sốt xuất huyết. Con chị một đứa bé 7 tuổi đang học lớp hai vừa mất vì Sốt xuất huyết. Căn nhà đó vẫn còn dấu ấn của đứa trẻ, cái bàn học, tấm giấy khen còn dán trên tường. Dường như đứa trẻ ấy vẫn còn gần đây lắm cho đến khi nhìn thấy tấm di ảnh lặng lẽ một góc nhà. Có lẽ chị vẫn chưa tin con mình đã đi xa bởi một căn bệnh mà đôi khi chúng ta còn thờ ơ với nó: Sốt xuất huyết. Và nếu quay ngược được thời gian, tôi chắc người mẹ ấy sẽ làm tất cả những gì có thể để con mình không bị Sốt xuất huyết.

Không để Sốt xuất huyết trở thành nỗi lo trong thời gian chống dịch Covid - 19

Hàng năm, đến hẹn lại lên, vào mùa mưa, chúng ta lại bước vào mùa dịch Sốt xuất huyết với số lượng bệnh nhân gia tăng từng tuần. Quy luật của các bệnh truyền nhiễm kể cả Covid – 19, số lượng bệnh nhân tăng sẽ kéo theo số lượng bệnh nặng tăng theo, số tử vong sẽ gia tăng cho dù chúng ta có điều trị tốt nhất. Năm nay cả hệ thống phòng dịch đang dồn sức phòng chống Covid -19, nếu không triển khai các biện pháp phòng Sốt xuất huyết ngay từ bây giờ thì chúng ta rất sợ tình cảnh dịch chồng dịch. Sự quá tải cho hệ thống phòng dịch nếu xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Thời gian vừa qua, mỗi người chúng ta là một chiến sỹ phòng chống Covid – 19, chúng ta đang cùng nhau thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát Covid – 19 và chúng ta đã đạt những kết quả nhất định. Nhưng không vì thế mà lơ là, chủ quan, chúng ta cần quyết tâm và triệt để hơn nữa vì mối nguy Covid – 19 vẫn còn đó. Mùa mưa sắp tới, chúng ta lo Covid – 19 nhưng đồng thời cũng không quên thực hiện các biện pháp phòng bệnh Sốt xuất huyết vì dịch bệnh này cũng đang đến rất gần.

Phòng Sốt xuất huyết: diệt lăng quăng, diệt muỗi

Sốt xuất huyết cũng do vi rút gây ra, lây truyền qua trung gian muỗi vằn. Đến nay Sốt xuất huyết dù là căn bệnh xuất hiện đã lâu nhưng nó vẫn chưa có thuốc điều trị và vắc xin. Biện pháp phòng bệnh chính là diệt lăng quăng, diệt muỗi. Muỗi vằn đẻ trứng, trứng nở lăng quăng. Muỗi vằn có một đặc điểm đó là đẻ trứng nơi nước đọng, sạch. Thành phố chúng ta lại là nơi có nhiều môi trường “ưu đãi” cho đặc tính này vì có nhiều vật đọng nước như: hộp cơm, nắp chai nước, bình bông, chum vại chứa nước… Bất cứ vật dụng nào có thể chứa, đọng nước thì khi những cơn mưa xuống nó đều có thể thành nơi chứa lăng quăng, tạo ra ổ bệnh Sốt xuất huyết.

Chung sức phòng Sốt xuất huyết cũng là góp phần cho phòng chống Covid – 19

Để chung sức với hệ thống phòng dịch trong cuộc chiến với Covid – 19 thì việc chúng ta cần làm là không để dịch bệnh Sốt xuất huyết bùng phát cùng với Covid – 19. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta ở nhà nhiều hơn thì hãy dành một ít thời gian để dọn dẹp, xử lý các vật dụng có thể chứa nước, đọng nước trong và xung quanh nhà với mục đích không tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng. Mỗi người chúng ta góp một ít sức thì Sốt xuất huyết sẽ không thể làm chúng ta thêm gánh nặng trong mùa dịch Covid – 19.

Không cho muỗi vằn đẻ trứng - biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Không để cho muỗi vằn đẻ trứng có nghĩa là chúng ta cần tìm, xử lý triệt để các vật dụng có chứa nước, có thể đọng nước khi trời mưa. Với các lu, hủ, chum vại đang sử dụng thì cần thay nước, súc rửa hàng tuần, đậy nắp khi không sử dụng. Nếu không còn sử dụng thì úp xuống đất.

Với các vật chứa nước ngoài trời không còn sử dụng thì úp xuống đất hoặc đổ cát vào. Với các vật chứa lớn không thể đậy nắp hoặc vệ sinh thì thả cá bảy màu. Đối với các vật dụng chứa nước nhỏ trong nhà như bình bông thì thay nước hàng tuần. Kiểm tra, dọn dẹp các nơi, vật dụng, rác thải có thể đọng nước trong và xung quanh nhà.

Đậy nắp các vật chứa nước lớn nếu đang còn sử dụng

Bỏ cát vào những nơi đọng nước ngoài trời

Kiểm tra lại các nơi có thể đọng nước trong và xung quanh nhà

Thay nước bình bông hàng tuần

Thả cá 7 màu vào những hồ nước, hòn non bộ

BS Đinh Thị Hải Yến - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố


Câu hỏi liên quan