Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

TP.HCM: Kiểm tra hoạt động phòng, chống Sốt xuất huyết tại quận Tân Phú


Sốt xuất huyết vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có nguy cơ tử vong. Biện pháp quan trọng nhất trong công tác phòng, chống Sốt xuất huyết là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, hạn chế thấp nhất nguy cơ phát sinh lăng quăng.

Ngày 01/6/2023, Đoàn công tác của Sở Y tế TP.HCM do BS. CKII. Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra về hoạt động phòng, chống Sốt xuất huyết (SXH) tại quận Tân Phú. Cùng tham gia với đoàn có ThS. BS. Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố. Đoàn công tác đã đến làm việc tại Trạm Y tế phường Tân Quý và đi thực địa một số điểm nguy cơ (ĐNC) phát sinh lăng quăng trên địa bàn phường.

Ảnh: Đoàn kiểm tra hoạt động phòng, chống SXH làm việc tại UBND quận Tân Phú

Tính đến ngày 28/5/2023, quận Tân Phú ghi nhận 417 ca mắc SXH, đứng thứ 8/22 quận, huyện, TP Thủ Đức về số ca mắc và có 05 ổ dịch SXH được ghi nhận tại cộng đồng. Tổng số ĐNC đang được theo dõi, quản lý trên địa bàn quận là 878 điểm.

Ngành Y tế quận Tân Phú cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác phòng, chống SXH trên địa bàn quận với các hoạt động triển khai gồm phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết"; tăng cường giám sát ĐNC và tham mưu xử phạt theo Nghị định 117/2020-NĐ/CP; phối hợp với Ban quản lý khu phố, tổ dân phố trong phát hiện, điều tra, xác minh ca bệnh trong vòng 24 giờ, xử lý ổ dịch kịp thời và hiệu quả; giám sát, theo dõi các phòng khám đa khoa trên địa bàn quận về thực hiện báo cáo ca bệnh SXH theo quy và tăng cường công tác truyền thông. Trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 08 ĐNC trên địa bàn quận nhận quyết định xử phạt.

Tại buổi làm việc, ThS. BS. Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cho biết trong tháng 4/2023, Trung tâm đã ban hành hướng dẫn mới về giám sát ĐNC gây dịch SXH Dengue. Theo đó, ĐNC được đánh giá và phân loại với 3 mức độ ưu tiên xử lý là cao, trung bình và thấp. Phân loại mới này sẽ giúp tập trung nguồn lực để xử lý tốt các ĐNC, nhất là các điểm được phân loại nguy cơ cao. Địa phương cần thực hiện giám sát định kỳ các ĐNC. Khi phát hiện có lăng quăng sẽ tái giám sát, cuối cùng ra quyết định xử phạt theo Nghị định 117/2020-NĐ/CP đối với người chủ của ĐNC nếu không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, BS. CKII. Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất trong công tác phòng, chống SXH là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, không để phát sinh lăng quăng. Theo đó, quận Tân Phú cần tăng cường công tác quản lý, phân cấp và xử lý ĐNC theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, chú trọng xử lý triệt để các ĐNC cao. Kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân các khó khăn gặp phải trong quá trình xử lý ĐNC để có phương án giải quyết phù hợp. Ngoài ra, quận cần tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác dự phòng về điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch SXH cũng như công tác tiếp nhận, điều trị SXH cho nhân viên y tế tại các phòng khám tư.

Thêm vào đó, Quận tiếp tục tăng cường công tác truyền thông cho người dân, chú trọng các nội dung về triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh SXH, dấu hiệu chuyển nặng và các biện pháp cụ thể về triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH. Đồng thời quận triển khai, phổ biến cho người dân biết, cài đặt và sử dụng ứng dụng Y tế trực tuyến để phản ánh các địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng.

Ảnh: Đoàn công tác làm việc tại Trạm Y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú.

Ảnh: Kiểm tra thực tế điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng tại một công trình xây dựng trên địa bàn phường Tân Quý, quận Tân Phú.

Ảnh: Kiểm tra thực tế điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng tại địa bàn dân cư phường Tân Quý, quận Tân Phú.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh


Câu hỏi liên quan