Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Chủ động khai báo y tế - không để vi rút lây qua chu kỳ tiếp theo


Từ ngày 26/5, cột mốc đáng nhớ khi thành phố ghi nhận 03 trường hợp bệnh nhân chỉ điểm đến một chuỗi lây nhiễm lớn nhất từ trước tới nay liên quan đến nhóm truyền giáo. Tính đến ngày 8/6, chuỗi lây nhiễm này đã có hơn 400 bệnh nhân phân bố ở 21/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức. Đợt dịch này có tính chất lây nhanh, lan rộng và trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm.

Đợt dịch chúng ta đang đối diện nguy hiểm hơn và phức tạp các đợt dịch trước vì khi phát hiện dịch đã âm thầm lây lan trước đó. Bên cạnh đó biến chủng gây bệnh lại là biến chủng B.1.617.2. (biến chủng Delta) với kỳ lây nhiễm ngắn 2-3 ngày, có trường hợp sau phơi nhiễm 3 ngày thì đã có thể lây bệnh cho người khác. Điều này khiến vi rút lây lan rất nhanh. Do đó khi phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo thì chúng ta đã phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm từ chu kỳ thứ 3. Trong quá trình truy đuổi chúng ta đã phát hiện thêm các trường hợp thuộc chu kỳ lây nhiễm thứ 4 thậm chí là thứ 5 của vi rút. Bài toán được đặt ra là phải tìm cách bắt kịp tốc độ lây của vi rút và chặn kịp những vòng lây nhiễm tiếp theo.

Trong cuộc đua chặn đứng các vòng lây nhiễm, chìa khóa mấu chốt là phải nhanh chóng truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần F1, các tiếp xúc gần của F1 là F2 để cách ly, làm xét nghiệm nhanh chóng để có bằng chứng truy vết tiếp tục. Trên thực tế điều này gặp một số khó khăn khi các F0 khai báo chưa đầy đủ để sót các F1. Từ đó mà không thể truy vết kịp các F2 trong khi do tốc độ lây nhanh các F2 đã có thể lây tiếp cho người tiếp xúc với mình tạo thành chu kỳ lây nhiễm thứ 3 và cứ thế tiếp tục. Các trường hợp lây nhiễm được phát hiện ở chu kỳ lây nhiễm thứ 4, thứ 5 chủ yếu là các tiếp xúc tại nơi làm việc, tại nơi cư trú.

Để nhanh hơn vi rút, chặt đứt các chu kỳ lây nhiễm tiếp theo bên cạnh nỗ lực của hệ thống phòng chống dịch trong truy vết, chúng ta cần sự chủ động của chính người dân. Khi nhận biết mình thuộc nhóm nguy cơ đã từng tiếp xúc với F0, F1 tại nơi làm việc, nơi cư trú, hoặc từng tới các địa điểm giám sát đã được công bố thì chủ động liên hệ khai báo cho y tế địa phương. Không nên đợi đến khi có triệu chứng bệnh thì mới khai báo vì có thể chúng ta đã kịp chuyển vi rút qua người khác cho một chu kỳ mới. Chẳng hạn người dân ở khu vực phong tỏa, ở khu vực đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì khi có triệu chứng phải lập tức khai báo để được xét nghiệm, tránh để chậm khai báo, chậm xét nghiệm, chậm điều trị. Điều này không nhũng dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe (như trường hợp bệnh nhân tử vong ở Gò vấp) mà còn có thể làm lây lan dịch bệnh.

Thành phố đang dần kiểm soát chuỗi lây nhiễm này nhưng qua mỗi trận chiến lại cho chúng ta thêm kinh nghiệm, bài học để chiến đấu tốt hơn. Và có thể chúng ta vẫn còn những trận chiến khác. Chúng ta sẽ chiến thắng để đưa cuộc sống trở lại bình thường chỉ khi có sự hỗ trợ, hợp tác của tất cả mọi người.

Nếu có nguy cơ tiếp xúc, đến từ khu vực nguy cơ hãy nhanh chóng chủ động và trung thực trong khai báo y tế. Đừng vì bất cứ lý do gì khiến chúng ta lo ngại mà chậm khai báo. Người xung quanh nên có cái nhìn cởi mở, không phân biệt kỳ thị để cùng khuyến khích ủng hộ những người có nguy cơ khai báo y tế.

Điều tra truy vết tại khu vực liên quan đến ca bệnh (Đình Lễ - HCDC)

HY- Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)


Câu hỏi liên quan