Hệ lụy của đột quỵ từ sự chủ quan của người trẻ
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới. Đột quỵ xảy ra làm thay đổi không chỉ vận mệnh của một con người mà còn có thể là cả hệ thống nếu nạn nhân là một nhân vật lỗi lạc.
Điển hình nhất là ba vị lãnh tụ lỗi lạc Winston Churchill, Franklin D. Roosevelt và Joseph Stalin cùng ngồi với nhau trong cuộc họp bàn kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ II vào tháng 2/1945. Thời gian sau đó, cả ba vị lãnh tụ này đều là nạn nhân của đột quỵ. Liệu thế giới sẽ thay đổi ra sao nếu những nhà chính trị này không bị đột quỵ hoặc đã được điều trị khỏi?
Điều đáng nói hơn là đột quỵ không “chừa” bất kỳ ai, có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 lần so với người bình thường ở những người bị đái tháo đường, gấp 3 lần đối với người tăng huyết áp, gấp 6 lần ở người có bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu, người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, chất gây nghiện như heroin, amphetamin, …
Đặc biệt, người trẻ tuổi nếu bị đột quỵ, nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với người cao tuổi do chủ quan không đưa đi cấp cứu sớm. Theo lời Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ sau 20 ngày đi vào hoạt động, đơn vị này đã tiếp nhận 750 ca bệnh đột quỵ. Trong số đó, 60 người có độ tuổi từ 18 đến 44, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10%. Điều đáng tiếc cho những ca đột quỵ ở người trẻ là đến viện muộn. Kết quả, họ mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại những hệ lụy đáng tiếc.
Vậy tại sao ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ? Và làm thế nào để giảm bớt nguy cơ này? Hãy cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố gặp gỡ các chuyên gia để được nghe chia sẻ những thông tin quý báu về đột quỵ ở người trẻ tuổi trong chương trình tọa đàm vào cuối tuần này nhé!
#Đột_quỵ #Người_trẻ_đừng_chủ_quan
#Chủ_nhật #Ngày27122020 #9giờ
Lệ Thu - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (tổng hợp)