Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Ứng phó dịch COVID-19: mỗi cơ quan, ban ngành cần có quy tắc ứng xử mới tương ứng với những chuẩn mực mới
Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ nhân chuyến thăm và động viên cán bộ viên chức của toàn Ngành Y tế thành phố (chiều ngày 14/04/2020) vì đã có nhiều nỗ lực, phối hợp tốt với các sở, ban ngành và UBND quận, huyện và người dân thành phố triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Uỷ và đồng chí Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực UBNDTP tặng quà cho Sở Y tế và HCDC
Tại buổi làm việc, GS TS BS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế đã báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua với sự nỗ lực của toàn ngành, sự phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố.
Với số ca mắc là 54 trường hợp và số ca cách ly tập trung gần 12.000 trường hợp, đồng chí Bí thư Thành uỷ đã nhấn mạnh con số 1/222 (# 54/12.000) mang rất nhiều ý nghĩa đối với thành phố trong công tác ứng phó dịch COVID-19 trong thời gian qua, cứ 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thì có 222 trường hợp phải cách ly tập trung, đồng chí nhấn mạnh không phải nước nào cũng có con số này.
1/222 là một tỷ lệ khá đặc trưng của công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của toàn ngành y tế với sự phối hợp nhịp nhàng của các sở, ban ngành, chính quyền địa phương các cấp, nhất là Bộ Tư lệnh thành phố và Công an thành phố với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND thành phố và Thường trực Thành uỷ TPHCM đảm bảo thông suốt các công tác trọng điểm bao gồm: phát hiện, cách ly, xét nghiệm, điều trị, điều tra người tiếp xúc.
1/222 là một tỷ lệ khá đặc trưng cho thấy sự nỗ lực đồng bộ của cả ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, từ khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực phục vụ công tác cách ly tập trung cho gần 12.000 trường hợp trong một khoảng thời gian ngắn, cho đến triển khai làm xét nghiệm tầm soát hơn 35.000 mẫu, một xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 hoàn toàn mới đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cả về thiết bị và nguồn nhân lực chuyên sâu.
1/222 là một tỷ lệ khá đặc trưng cho thấy sự huy động có hiệu quả nguồn nhân lực của toàn ngành y tế, cả khối dự phòng và khối điều trị. Lần đầu tiên, công tác phòng chống dịch bệnh đã huy động các bác sĩ, điều dưỡng của tất cả các bệnh viện quận, huyện, và bệnh viện thành phố tham gia công tác kiểm dịch y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ người dân ở các khu cách ly để ưu tiên nguồn nhân lực của y tế dự phòng làm công tác điều tra dịch tễ, truy tìm người tiếp xúc gần để cách ly.
1/222 là một tỷ lệ khá đặc trưng cho thấy sự chủ động trong công tác chuẩn bị các cơ sở y tế chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp nghi ngờ và xác định nhiễm COVID-19, trong đó phải kể đến bệnh viện dã chiến Củ Chi (quy mô 300 giường) và bệnh viện điều trị COVID-19 Cần giờ (600 giường) bên cạnh các bệnh viện chuyên khoa của thành phố là BV Bệnh Nhiệt đới và BV Nhi đồng thành phố. Nhờ sự chủ động này mà BV Bệnh Nhiệt đới không bị quá tải bệnh nhân và quan trọng hơn các bệnh viện hiện hữu của thành phố chưa phải tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19, một nguy cơ lây lan dịch bênh trong một viện đa khoa.
Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, UBNDTP thành phố đã ban hành bộ chỉ số đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 của doanh nghiệp đã có tác động rất lớn và làm chuyển đổi những quy tắc ứng xử của các doanh nghiệp để đảm bảo an toàn và không có rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID – 19. Đồng chí Bí thư hoan nghênh Sở Y tế cũng đã xây dựng các tiêu chí để các bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm dịch COVID-19 dưới dạng khuyến cáo và bảng kiểm rất cụ thể những việc cần phải làm tại các bệnh viện. Đồng chí cho biết tới đây, cùng với ngành y tế, các ngành giáo dục, du lịch, công thương, giao thông,… đều cũng phải xây dựng bộ tiêu chí đặc thù để chủ động ứng phó dịch bệnh. Mỗi cơ quan, ban ngành phải có quy tắc ứng xử mới tương ứng những chuẩn mực mới để luôn chủ động ứng phó và kiểm soát tốt đối với dịch COVID-19 và cả các dịch bệnh khác.
SỞ Y TẾ TP.HCM