TP.HCM: Triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS với sự hỗ trợ của dự án EpiC
Sáng ngày 16/11/2022, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Họp định hướng triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS do dự án USAID/EpiC hỗ trợ. Trong năm 2022, các hoạt động tiếp cận, tìm ca nhiễm HIV mới và ca sử dụng PrEP mới để kết nối điều trị đều đạt và vượt chỉ tiêu. Trong năm 2023, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ Thành phố triển khai các hoạt động, tăng cường tìm ca bằng tiếp cận trực tuyến.
Ảnh: ThS.BS Lê Hồng Nga – Phó giám đốc Trung tâm Kiếm soát Bệnh tật Thành phố phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Trong năm 2022, công cụ thu thập phản hồi khách hàng của EpiC/LADDERS bắt đầu được sử dụng tại các cơ sở y tế công cung cấp dịch vụ HIV/AIDS. Công cụ này đã tiếp nhận được 450 phản hồi từ khách hàng tính đến hết tháng 9 năm 2022. Công cụ thu thập phản hồi này phần nào giúp các cơ sở y tế cải thiện chất lượng dịch vụ.
Theo ThS. Lương Quốc Bình - Phó trưởng khoa phòng chống HIV/AIDS, các hoạt động tiếp cận, tìm ca nhiễm HIV mới và ca PrEP mới để kết nối điều trị trong năm 2022 đều đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa đạt chỉ tiêu về xét nghiệm sàng lọc và số ca nhiễm HIV mới. Một số cơ sở gặp khó khăn trong việc mua sắm đấu thầu sinh phẩm trong xét nghiệm khẳng định, dẫn đến trì hoãn trong việc trả kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính và kết nối điều trị trong ngày cho khách hàng.
Tỷ lệ bệnh nhân tử vong, bỏ trị cao ở một số cơ sở điều trị do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vào năm 2021. Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng trong khi cán bộ y tế không tăng gây quá tải, khó khăn trong việc theo dấu, tư vấn tuân thủ điều trị cho bệnh nhân. Vẫn còn 6% người nhiễm chưa có thẻ Bảo hiểm y tế, chưa sử dụng được thẻ bảo hiểm y tế. Do đó, sự hỗ trợ trong vận động chính sách để có cơ chế hỗ trợ người nhiễm sử dụng Bảo hiểm y tế trong điều trị vẫn cần tiếp tục được triển khai trong năm tới.
Định hướng hoạt động dự án năm 2023
Phát biểu tại cuộc họp, ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố cho biết: Năm 2022, trong khuôn khổ của dự án, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tư vấn xét nghiệm cho hơn 6.000 khách hàng nguy cơ cao. Trong năm 2023, mục tiêu là đẩy mạnh các hoạt động phòng chống AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Đồng thời, nâng cao chất lượng tư vấn xét nghiệm, tăng cường đào tạo kỹ năng tư vấn cho nhân viên y tế.
Dự kiến trong năm 2023, dự án sẽ tiếp tục triển khai hoạt động truyền thông, tiếp cận, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Điều trị HIV cho người nhiễm HIV; dịch vụ thân thiện (OSS); Kiểm soát chuỗi lây truyền HIV đáp ứng y tế công cộng; Tăng cường tìm ca từ tiếp cận trực tuyến như: facebook, zalo, các App hẹn hò... đến trực tiếp và tiếp cận qua mạng lưới xã hội của người có HIV & mạng lưới khách hàng đích. Mở rộng hoạt động tiếp cận cho mạng lưới khách hàng nguy cơ là sinh viên và công nhân các khu công nghiệp.
Được biết, hoàn thành Mục tiêu và Duy trì kiểm soát dịch HIV/AIDS (EpiC) là dự án toàn cầu với mục tiêu là cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dựa trên kết quả, hợp lý và hiệu quả, cùng với các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp nhằm thu hẹp khoảng cách trong các nỗ lực hướng tới hoàn thành các mục tiêu 95-95-95 của Việt Nam: 95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người biết tình trạng HIV của mình đang được điều trị và 95% trong số những người đang được điều trị có tải lượng HIV được ức chế và giảm khả năng lây truyền vi-rút HIV cho người khác.
Hoài Thương – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố