Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Khai thác nước ngầm cần tuân theo đúng quy hoạch


Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm như hiện nay đã dẫn đến một số hệ quả không chỉ về mặt đời sống, kinh tế, mà còn cả sức khỏe dân cư. Việc sử dụng nước ngầm không chỉ tác động đến môi trường, cảnh quan mà còn được cảnh báo về các nguy cơ gây ra bệnh cấp tính, mạn tính.

Nước chúng ta đang sử dụng hằng ngày lấy từ 2 nguồn: nước bề mặt và nước ngầm. Đối với nước ngầm, từ lâu người dân khai thác để sử dụng. Thực tế nhiều quận huyện ở ngoại thành có hàng trăm ngàn giếng ngầm tại nhà dân, nhiều khu công nghiệp cũng khai thác gây phá vỡ quy hoạch. Và từ đó gây áp lực, cạn kiệt nguồn nước ngầm hiện hữu.

Chúng ta nhìn thấy nước mỗi ngày như ở các hồ, các sông, băng, mưa và tuyết. Nhưng lượng nước không thể nhìn thấy được là nước ngầm lại chiếm một lượng rất lớn. Nước ngầm đóng góp lớn cho dòng chảy sông ngòi của nhiều con sông. Con người đã sử dụng nước ngầm từ hàng ngàn năm nay và vẫn đang tiếp tục sử dụng nó hàng ngày, phần lớn cho nhu cầu nước uống và nước tưới. Cuộc sống trên trái đất phụ thuộc vào nước ngầm cũng giống như là nước bề mặt.

Tác hại của khai thác nước ngầm không tuân theo quy hoạch

Cạn kiệt tài nguyên nước: Tập trung khai thác nước ngầm sẽ làm cho các không gian rỗng bên trong lớp đất không được bù đắp kịp thời, dẫn đến hạ thấp độ cao mặt đất hay còn gọi là sụt lún đất. Ngoài ra, khi khai thác không đúng kỹ thuật, không có công trình bảo vệ giếng sê làm ô nhiễm tầng nước ngầm.

Hạ thấp mực nước ngầm: Khi một công trình khai thác nước ngầm đi vào hoạt động thì ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng khá nhanh tới khu vực xung quanh, tác động tới các công trình khai thác lân cận làm cho mực nước trong các công trình này bị hạ thấp, do vậy sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu suất khai thác của công trình. Khoảng cách giữa các công trình khai thác càng gần nhau thì mực nước hạ thấp càng nhiều.

Hiện tượng sụt lún do khai thác nước ngầm: Việc hạ thấp mực nước sẽ dẫn tới hiện tượng sụt lún các lớp đất đá trong tầng chứa nước. Khi khai thác nước làm mực nước hạ thấp tạo ra lỗ hổng lớn trong tầng đất, dẫn tới sụt lún các công trình, gây thiệt hại về kinh tế cũng như tính mạng con người.

Biến đổi chất lượng nước: So với nước mặt, nước ngầm ít bị ô nhiễm hơn. Nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thấm lớn, nước mặt thấm xuống cũng rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước ngầm. Ngoài ra, ở các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém, nước bẩn có thể theo thành lỗ khoan thâm nhập vào tầng chứa nước làm ô nhiễm nước dưới đất.

Quá trình khai thác nước làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thuỷ lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm … Khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài. Nguồn nước bị ô nhiễm sẽ dẫn đến tác động không tốt đến sức khỏe gây ra các bệnh cấp tính hoặc mạn tính.

Bảo vệ nguồn nước ngầm

Từ các tác hại như trên, các quốc gia khi nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế xã hội phải lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững. Tại Việt Nam, riêng đối với công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước nói chung và nguồn nước ngầm nói riêng cũng đã có những quan tâm nhất định. Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước mà pháp lý cao nhất chính là Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012.

Các Sở, ban ngành cũng tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên nước. Có các biện pháp chế tài đối với các hoạt động làm ô nhiễm nguồn tài nguyên nước, từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp đến các sinh hoạt hàng ngày…

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, Thành phố đã xây dựng lộ trình giảm khai thác nước dưới đất. Cụ thể, UBND Thành phố phê duyệt lộ trình giảm khai thác như sau: đến cuối năm 2023, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn TP.HCM còn 150.000 m3/ngày; đến cuối năm 2025, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn thành phố còn 100.000 m3/ngày.

Trong năm 2021, TP.HCM đã giảm khai thác nước dưới đất 16.650 m3/ngày, trong đó: lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình giảm 8.000 m3/ngày; trong khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 1.650 m3/ngày; bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 3.000 m3/ngày; lượng khai thác nước dưới đất của Sawaco giảm 4.000 m3/ngày.

Khoa Sức khỏe Môi trường - Y tế trường học

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM


Câu hỏi liên quan