Quản Cáo  Topbanner

Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Thai phụ nhiễm COVID-19 vượt bao thử thách để về với con


Sau gần 2 tháng điều trị, chuyển qua nhiều khoa từ nhẹ đến nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ngày 13/10/2021, thai phụ nhiễm COVID-19 trong tình trạng nặng nguy kịch phải đặt nội khí quản, lọc máu hấp thụ và kèm chỉ định chạy ECMO (phương pháp ô-xy hóa qua màng ngoài cơ thể) đã khỏi bệnh. Đây là một nỗ lực lớn của tập thể y bác sĩ tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, đồng thời cũng là một phép màu cho thai phụ nhiễm COVID-19 có tiên lượng nặng.

Những ngày căng não của các y bác sĩ

Chị Diễm Hằng, 35 tuổi, điều dưỡng của khoa hồi sức, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là một trong số những trường hợp điển hình của các thai phụ nhiễm COVID-19 nặng và nguy kịch được điều trị thành công tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Theo BS. Nguyễn Hoàng Anh Duy – bác sĩ điều trị tại khoa nhiễm A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, chị Diễm Hằng nhập viện vào ngày thứ 8 của bệnh, khi đó thai nhi được 25 tuần. Trước đó 3 ngày, chị Diễm Hằng có triệu chứng sốt cao liên tục, kèm các biểu hiện của nhiễm siêu vi như mệt mỏi, đau nhức cơ thể, ho tăng dần. Đến khoảng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 của bệnh, tình trạng mệt và khó thở của chị xuất hiện nhiều hơn, xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 nên được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị.

Qua đánh giá lúc đầu nhận bệnh, chị Diễm Hằng được chuyển vào khoa điều trị cho người bệnh COVID-19 nhẹ của bệnh viện và được chỉ định thở ô-xy với liều lượng 10 lít/phút, với hỗ trợ này thì SpO2 lên 95%. Sau khoảng 1 ngày điều trị với những loại thuốc tối ưu nhưng tình trạng khó thở không thuyên giảm, các bác sĩ đã chuyển chị đến khoa nhiễm D, áp dụng phương pháp thở HFNC, đây là liệu pháp ô-xy lưu lượng cao qua ống thông mũi. Thật không may, sau khoảng 5 ngày điều trị, tình trạng viêm của chị Diễm Hằng xuất hiện nhiều hơn, nghĩ đến cơn bão Cytokine nên các bác sĩ đã quyết định chuyển chị đến khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực chống độc người lớn của bệnh viện.

Tại đây, qua quá trình hội chuẩn giữa các bác sĩ chuyên môn trong đó có cả sản khoa, trước tình thế phải cứu cả mẹ và thai nhi các bác sĩ đã chỉ định đặt nội khí quản thở máy, lọc máu hấp thụ kèm chỉ định ECMO cho chị Diễm Hằng. BS. Hồ Quang Minh, Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chia sẻ: “Việc điều trị bệnh nhân COVID-19 trên thai phụ là vấn đề không đơn giản khi phải vừa điều trị COVID-19, vừa phải dưỡng thai cho người bệnh”. Trong quá trình điều trị các bác sĩ phải liên tục theo dõi bệnh nhân xem có xuất huyết âm đạo, rỉ ối, đo tim thai, diễn tiến thai kỳ và các bệnh lý thông thường khác có thể gặp ở thai phụ. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc trên thai phụ cũng phải hết sức cân nhắc để lựa chọn loại thuốc tối ưu nhất mà không làm ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. Ngoài ra, vấn đề về tâm lý của người bệnh cũng cần được quan tâm, các bác sĩ của bệnh viện luôn động viên bệnh nhân để có tinh thần mau chóng bình phục.

Sự hồi phục: Kết quả ngọt ngào cho bác sĩ và bệnh nhân

Hiện nay, chị Diễm Hằng đã được điều trị hết triệu chứng, thai 31 tuần ổn định, xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 và được cho xuất viện. Trước đó, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã tiếp nhận vài trường hợp bệnh COVID-19 trên thai phụ như: Hậu sản, đang mang thai tiến hành mổ bắt con và đã thành công. BS. Quang Minh chia sẻ thêm: “Một bệnh nhân COVID-19 nặng nguy kịch thì việc điều trị đã vất vả rồi. Nếu bệnh nhân nặng nguy kịch, phải đặt nội khí quản thì điều trị sẽ vất vả hơn. Nhưng nếu bệnh nhân nặng nguy kịch, phải đặt nội khí quản, có thêm chạy ECMO thì càng rất vất vả. Cuối cùng nếu bệnh nhân nặng nguy kịch, phải đặt nội khí quản, có chạy ECMO, trên bệnh nhân có thai thì sự điều trị thành công này là một sự nỗ lực rất lớn của cả khoa hồi sức nói riêng và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nói chung. Đây vừa là thử thách, vừa là niềm động viên cho tập thể nhân viên y tế tại bệnh viện”.

Chị Diễm Hằng cho biết cả nhà chị đều bị dương tính với SARS-CoV-2, mọi người trong gia đình đều đã điều trị ổn, chỉ có mình chị gặp tình trạng nặng nhất phải nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tại đây, các bác sĩ chăm sóc rất tận tình, từng giai đọan bệnh đều được bác sĩ giải thích kỹ. Chị Diễm Hằng rơm rớm nước mắt kể lại: “Trong quá trình điều trị, mình cũng hoang mang lắm, vừa lo cho em bé trong bụng, vừa sợ 2 đứa con ở nhà không ai chăm”. Sau 2 ngày nằm hôn mê, tỉnh dậy xung quanh toàn dây, ống thở, chị Diễm Hằng càng lo lắng hơn nhưng chị thấy mình thật may mắn luôn được các bác sĩ điều trị bên cạnh động viên. “Thấy mọi người thương và lo cho mình, chăm sóc tận tình lắm nên phải càng cố gắng. Những ngày mình nằm điều trị, các bác sĩ còn giúp gọi điện thoại về gặp 2 con nhỏ và gia đình, nên mình càng có động lực để chiến đấu với COVID-19”, chị Hằng tâm sự thêm. Khi nghe tin được ra viện chị Diễm Hằng vui lắm, vui vì chị sắp được về nhà gặp 2 con, vui vì chị sẽ được đi khám thai, để biết thêm sức khoẻ của em bé đang mỗi ngày một lớn dần trong bụng và được trở về với cuộc sống hàng ngày.

Qua trường hợp của chị Diễm Hằng cũng như các thai phụ không may nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện, BS. CKII. Đào Bách Khoa, Trưởng khoa nhiễm A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có lời khuyên rằng: “Đối với thai phụ nhiễm COVID-19 thì cơ thể sẽ yếu hơn nên cần phải theo dõi sát sao. Người bệnh cần đảm bảo ăn uống đầy đủ, vận động nhẹ nhàng và bảo dưỡng thai tốt. Đồng thời tự theo dõi sức khỏe để đề phòng bệnh tiến triển nặng. Khi phát hiện các triệu chứng của COVID-19 hoặc có tiếp xúc với người bệnh COVID-19 thì cần báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời”.

Yến Thư, Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM


Câu hỏi liên quan