Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Gần 1 năm chống dịch COVID-19, TP.HCM đã làm những gì?


(PLO)- Công trình “Những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến chống COVID-19 tại TP.HCM” của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM là một trong những đề cử tham gia giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam năm 2020”.

Tin liên quan

Ngày 23-1-2020, 2 trường hợp nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại TP.HCM. Đến ngày 30-12-2020, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 147 trường hợp mắc COVID-19.

Trên cơ sở 147 trường hợp mắc COVID-19, ngành y tế TP.HCM thực hiện truy vết 12.084 trường hợp liên quan và tiến hành làm xét nghiệm SARS-CoV-2, đồng thời cho cách ly tập trung 8.343 trường hợp.

Nhờ vào sự quyết tâm cao độ và nổ lực hết mình của toàn bộ hệ thống chính trị, TP.HCM kiểm soát có hiệu quả tất cả các chuỗi lây nhiễm COVID-19. Trong đó phải kể 2 ổ dịch lớn là ổ dịch tại quán bar Buddha (quận 2) với 19 ca mắc (18 người tại TP.HCM, 1 người ở Đồng Nai) và ổ dịch tại khu cách ly của tiếp viên Vietnam Airline với 16 ca mắc (có 4 ca lây nhiễm ra cộng đồng).


Nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn (TP.HCM) lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: TRẦN NGỌC

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, ngành y tế chủ động bố trí các khu vực cách ly điều trị và sẵn sàng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.

Sau 5 ngày khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện giữa Bộ Tư lệnh TP và Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện (BV) dã chiến Củ Chi chính thức đi vào hoạt động vào sáng 10-2-2020 với quy mô 300 giường.

Đây là BV đầu tiên điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM. BV này có hệ thống cận lâm sàng cơ bản như xét nghiệm sinh hoá, huyết học và chụp X quang phổi, siêu âm. BV còn có hệ thống nước thải y tế đúng chuẩn, đồng thời được trang bị 10 phòng cách ly áp lực âm.

Tiếp theo, ngày 16-3-2020, BV điều trị COVID-19 Cần Giờ được thành lập với quy mô 600 giường. Điều đáng ghi nhận các buồng phẫu thuật, buồng cấp cứu, buồng chạy thận đều được đặt trong phòng áp lực âm và sẵn sàng sử dụng trong cấp cứu cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang cách ly điều trị tại BV này.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng thành lập 58 khu cách ly tập trung để phòng chống COVID-19 tính tới thời điểm hiện tại. Trong đó 3 khu cách ly quân đội, 22 khu cách ly khách sạn, 9 khu cách ly ở BV và 24 khu cách ly của quận, huyện. Đến 30-12-2020, tổng cộng 27.776 trường hợp được cách ly tập trung tại các khu cách ly TP và 3.651 trường hợp cách ly tập trung tại khu cách ly quận, huyện (3.547 trường hợp hết thời gian cách ly). Ngoài ra, tổ chức theo dõi 42.780 người cách ly tại nhà và nơi lưu trú.

Ngành y tế TP.HCM cũng đã chủ động giám sát lấy mẫu COVID-19 tại BV, bến xe, chợ đầu mối, trung tâm bảo trợ xã hội, các nhóm nguy cơ cao gồm hội chứng cúm, viêm hô hấp cấp tính nặng và viêm phổi nặng nghi do virus để kịp thời phát hiện ca bệnh trong cộng đồng. Đến 30-12-2020, ngành y tế TP.HCM đã lấy 239.157 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Để có được những con số ấn tượng nói trên, không thể không nhắc tới công sức của những nhân viên y tế ở các trạm y tế phường xã, trung tâm y tế quận huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM và các BV.

Bỏ lại phía sau gia đình và người thân, nhân viên y tế tham gia cuộc chiến chống COVID-19 với lòng nhiệt thành để đạt mục đích kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống mọi người trở lại bình thường. Họ là những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến chống COVID-19 tại TP.HCM.

Chính vì vậy, công trình “Những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến chống COVID-19 tại TP.HCM” của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM là một trong những đề cử tham gia giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam năm 2020”. 

TRẦN NGỌC

Nguồn: https://plo.vn


Câu hỏi liên quan