Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Ngày Hen Thế giới 2021: Những quan niệm sai lầm về bệnh hen
Ngày Hen Thế giới (05/5/2021) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh hen trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hen là bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng. Ước tính có hơn 339 triệu người mắc bệnh hen trên toàn thế giới và có 417.918 trường hợp tử vong do bệnh hen trong năm 2016. Mặc dù hen là bệnh không chữa khỏi được nhưng bệnh có thể kiểm soát và phòng ngừa được các cơn hen cấp xảy ra.
Chủ đề của Ngày Hen Thế giới năm nay là: “Những quan niệm sai lầm về bệnh hen”. Chủ đề này đưa ra lời kêu gọi hành động để giải quyết những quan niệm sai lầm phổ biến về bệnh hen. Những quan niệm sai lầm phổ biến về bệnh hen bao gồm:
1. Hen là một bệnh ở trẻ em; bệnh sẽ khỏi dần khi lớn lên.
2. Bệnh hen là bệnh truyền nhiễm.
3. Người bị bệnh hen không nên tập thể dục.
4. Bệnh hen chỉ có thể kiểm soát được bằng steroids liều cao.
Sự thật là:
1. Bệnh hen có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi (ở trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành và người cao tuổi)
2. Hen là bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi-rút (chẳng hạn như cảm lạnh thông thường và cúm) có thể gây ra các cơn hen cấp. Ở trẻ em, bệnh hen thường liên quan đến dị ứng, nhưng bệnh hen khởi phát ở tuổi trưởng thành thì thường ít bị dị ứng hơn.
3. Khi bệnh hen được kiểm soát tốt, người bệnh có thể tập thể dục và thậm chí đạt thành tích cao trong thể thao.
4. Bệnh hen thường có thể kiểm soát được bằng steroids dạng hít liều thấp.
Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến 1 – 18% dân số tuỳ theo mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc hen trung bình khoảng 3,9% dân số (trẻ em từ 13 – 14 tuổi chiếm 14,8%) tương đương khoảng 4 triệu người mắc và lấy đi sinh mạng của 3 – 4000 người/năm. Do đó, việc nhận biết cơn khó thở và xử trí ban đầu đúng là hết sức quan trọng đối với bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt trước khi được đưa vào bệnh viện.
Nguồn:
(1) https://ginasthma.org/wad/
(2) http://www.hoihohaptphcm.org/index.php/benh-nhan/534-nhan-biet-va-xu-tri-con-hen-phe-quan-cap-tinh
Hoài Thương,Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh [Tổng hợp]