Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Có nên dùng sớm thuốc corticoid cho bệnh nhân COVID-19?


Thuốc corticoid (dexamethasone hay methylprednisolone) được cấp/gợi ý cho bệnh nhân COVID-19 tự điều trị tại nhà. Việc dùng các loại thuốc này ngay khi bệnh nhân biết mình nhiễm COVID-19 dường như không có lợi, mà có thể gây hại, thậm chí có thể làm bệnh nặng hơn.
Điều này có thể xuất phát từ việc người bệnh hiểu chưa đúng thông tin khuyến cáo của cơ quan y tế về việc sử dụng thuốc.


 Hiện có rất nhiều toa/túi thuốc kê cho bệnh nhân COVID-19 sử dụng thuốc corticosteroid từ sớm.
Thuốc corticosteroid được sử dụng trong nhiều bệnh lý với tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch. Thuốc đã được thử nghiệm trên những bệnh nhân nhập viện với COVID-19 trong thử nghiệm lâm sàng RECOVERY và cho kết quả có lợi cho bệnh nhân bị bệnh nặng. Đối với những bệnh nhân phải thở máy, việc điều trị được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong. Corticoisteroid có lợi cho bệnh nhân COVID-19 nặng (cần phải thở máy, thở oxy) nhưng không phải có thể dùng ở bất cứ giai đoạn nào.
Khi nào bệnh nhân COVID-19 trở nặng và cần dùng thuốc corticosteroid?
Bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, nhưng tác nhân làm cho bệnh nặng là do chính hệ miễn dịch của cơ thể. Điều này không xảy ra ở tất cả nhưng ở một số bệnh nhân, hệ miễn dịch đã hoạt động quá mức dẫn đến gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể.
Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch quá mức này xảy ra sau một khoảng thời gian nhiễm virus, thường thì sau 7 ngày từ khi có triệu chứng. Vì phổi là cơ quan virus xâm nhập nên triệu chứng có thể bắt đầu từ đây như dấu hiệu giảm nhiều SpO2; lúc này có thể là thời điểm thích hợp để bắt đầu sử dụng thuốc cortisteroid nhằm "kiềm hãm" phản ứng miễn dịch. Dù vậy, cần lưu ý không phải ai cũng bị, chỉ có một số bệnh nhân gặp phải phản ứng miễn dịch nặng này như đã để cập phần trên.
Sử dụng thuốc corticosteroid sớm và những nguy cơ
Bình thường khi bị nhiễm virus bất kỳ, cơ thể sẽ sản sinh ra một chất kiềm hãm virus phát triển, có tên là inteferon. Với bệnh nhân COVID-19, người ta thấy rằng việc gia tăng sớm interferon loại 1 (type 1 interferon) dường như làm nhẹ tình trạng bệnh COVID-19, trong khi đó việc gia tăng trễ hoặc không tăng interferon này làm tăng độ nặng của bệnh và tăng nguy cơ tử vong.
Ứng dụng trong việc này, hiện đã có nghiên cứu dùng inteferon loại 1 tái tổ hợp cho bệnh nhân mới vừa nhiễm SARS-CoV-2 và đã cho kết quả khả quan. Điều này cho thấy vai trò của việc gia tăng sớm interferon 1 có thể giảm nhẹ triệu chứng/biến chứng của bệnh COVID-19.
Các thuốc corticosteroid cũng cho thấy tác dụng ức chế interferon loại 1. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng việc dùng thuốc corticoisteroid có làm giảm interferon loại 1 này ở bệnh nhân COVID-19 hay không nhưng các dữ liệu có được đến thời điểm này dường như cho thấy mối liên quan.

Corticoid có lợi cho bệnh nhân COVID-19 nhưng không phải có thể dùng ở bất cứ giai đoạn nào.
Thời điểm có thể xem xét dùng thuốc này thường sau 7 ngày tính từ lúc có triệu chứng COVID-19 (sốt, ho...) và trên những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến nặng (giảm nhiều SpO2).

Ngoài ra, đã có nhiều bằng chứng chỉ ra việc dùng thuốc corticoteroid cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ sẽ không có hiệu quả, thậm chí gây hại.
Một nghiên cứu khác cho thấy việc dùng thuốc corticosteroid sau 7 ngày từ khi có triệu chứng COVID-19 cho hiệu quả giảm tử vong cao hơn so với việc nếu dùng thuốc sớm hơn (trước 7 ngày từ khi có triệu chứng). Đó là chưa kể thuốc còn làm chậm thời gian loại bỏ virus khỏi cơ thể.
Vì vậy, nếu dùng sớm (giai đoạn virus tăng sinh) có thể không có lợi so với giai đoạn sau (phản ứng miễn dịch) khi lượng virus đã giảm đi nhiều. Ngoài ra, việc không tính đến những bệnh lý kèm theo của bệnh nhân cũng có thể dẫn đến biến chứng khi dùng corticosteroid như tăng đường huyết, tăng nhãn áp, loạn thần…
Việc dùng dexamethasone và methylprednisolone ngay khi bệnh nhân biết mình nhiễm COVID-19 dường như không có lợi, mà có thể gây hại, thậm chí có thể làm bệnh nặng hơn.

DS. Nguyễn Quốc Hòa
Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: suckhoedoisong.vn


Câu hỏi liên quan