Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Những điều cần biết về vắc-xin phòng ngừa bệnh lao



 


Hiện nay, tại Việt Nam BCG (bacille Calmette-Guerin) được biết đến là một loại vắc-xin phòng ngừa bệnh lao. Trong vắc-xin BCG có chứa một dạng vi khuẩn gây ra bệnh lao. Tuy nhiên vi khuẩn này đã được bất hoạt độc lực, làm yếu đi vì vậy nó không có khả năng gây bệnh và có tác dụng bảo vệ.

 

Vắc-xin phòng lao được sử dụng phổ biến hiện nay ở nước ta là sản phẩm thuộc Viện vắc-xin và sinh phẩm Y tế tại Việt Nam. Nhờ sản xuất từ chủng vi khuẩn sống của Calmette - Guérin (Bacillus de Calmette - Guérin: BCG), loại vắc-xin này có tác dụng phòng bệnh lao rất mạnh và còn giữ được lâu nếu điều kiện môi trường bảo quản tốt.

 



Vắc-xin phòng ngừa lao được dùng cho tất cả mọi người (chưa có phản ứng với Tuberculine). Ở những nước có nguồn lây nhiễm lao cao thì nên tiêm chủng BCG càng sớm càng tốt.

Những trường hợp không nên tiêm như: bệnh nhân ưng thư, bệnh Bạch hầu, một số bệnh mạn tính Viêm thận mạn, hội chứng thận hư, Suy Tim…

Những trường hợp tạm thời nên hoãn: trẻ suy dinh dưỡng, sanh thiếu cân, bệnh cấp tính (cả trong giai đoạn phục hồi), các bệnh ngoài da đang tiến triển.

 

Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng lao BCG cho trẻ trong vòng 1 tháng đến 1 năm sau sinh. Thực tế, với những trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì thường được tiêm phòng lao trong vòng 24h sau sinh. Những trẻ sinh non hoặc có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt thì có thể hoãn tiêm đến khi trẻ có thể trạng tốt, tuy nhiên cần tiến hành tiêm phòng lao cho trẻ càng sớm càng tốt.

Việc tiêm vắc xin phòng lao muộn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn những trẻ đã được tiêm phòng, thậm chí trẻ có thể bị nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh do hệ thống miễn dịch còn yếu ớt. Còn các trường hợp nếu đã xác định chính xác trẻ nhiễm lao thì việc tiêm phòng lúc này là không cần thiết. Tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ sau 1 năm tuổi cũng có thể gây ra những phản ứng sau tiêm mạnh hơn.

 

BCG không bảo vệ chống vi khuẩn lao nhưng BCG ngăn chặn bệnh lao tiến triển. Cụ thể là BCG ngăn chặn sự hình thành các thể lao sơ nhiễm, lao thứ phát, ngăn ngừa diễn tiến lao nặng như: Phế quản phế viêm lao, Lao kê, Lao màng não.

Thời gian bảo vệ của BCG: là từ 4 – 5 năm cho đến 15 – 20 năm, thay đổi tùy theo công trình nghiên cứu.

Vắc-xin BCG thường được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nó đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với độ bảo vệ lên tới 70%.

Đối với người lớn không mắc bệnh lao và chưa được chủng ngừa trước đây nhưng thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố phơi nhiễm cũng nên được chủng ngừa. Ngoài ra, BCG cũng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm loét Buruli và các khuẩn lao không điển hình khác.

Vắc-xin BCG chỉ cần tiêm chủng ngừa một liều duy nhất mà không cần tiêm thêm các liều bổ sung. Bên cạnh đó, BCG cũng không được khuyến cáo cho thanh thiếu niên trên 16 tuổi vì vắc-xin sẽ không hoạt động tốt ở người lớn. Tuy nhiên, vẫn có thể tiêm vắc-xin phòng lao cho người từ 16 - 35 tuổi có nguy cơ bị phơi nhiễm lao.


Rất hiếm xảy ra phản ứng phụ nghiêm trọng. Hầu hết trẻ em sau khi được tiêm vắc-xin BCG đều có phản ứng tại chỗ tiêm. Thường chỉ bị đỏ, sưng và đau nhẹ tại chỗ tiêm. Ngay sau khi tiêm thường xuất hiện các nốt nhỏ tại vị trí tiêm và nó sẽ biến mất sau khoảng 30 phút. Sau 2 tuần, một vết loét nhỏ, tuy nhiên, vết thương này sẽ tự lành và để lại sẹo nhỏ có đường kính 5mm. Đây là minh chứng cho thấy trẻ đã có miễn dịch. Ở những người có chức năng miễn dịch kém, tác dụng phụ thường gặp và nặng hơn. Sau khi tiêm vắc-xin lao BCG có thể đem lại một số tác dụng phụ bao gồm: Sốt nhẹ nổi hạch hoặc áp xe tại chỗ; Các phản ứng hiếm gặp hơn (chỉ có 1/1.000.000 trường hợp mắc phải): nhiễm trùng BCG toàn thân, viêm tủy, viêm hạch bạch huyết có mủ (xuất hiện từ 2 - 6 tháng sau khi tiêm BCG).


Với những phản ứng thông thường, các phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm chăm sóc trẻ tại nhà.

  • Đối với trẻ em, cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.
  • Sốt nhẹ (dưới 38,5 độ): Uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng. 
  • Phản ứng tại chỗ gồm các triệu chứng đỏ và/hoặc sưng tại chỗ tiêm và có thể có 1 hoặc nhiều triệu chứng sau: sưng gần chỗ tiêm, đau, đỏ và sưng trên 3 ngày. Thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần. Điều trị triệu chứng với các thuốc giảm đau theo chỉ định.
  • Đau khớp kể cả khớp nhỏ ngoại vi dai dẳng (trên 10 ngày) hoặc thoáng qua (tối đa 10 ngày). Có thể tự khỏi, một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của cán bộ y tế
  • Viêm hạch bạch huyết kể cả viêm hạch bạch huyết có mủ với biểu hiện có 1 hạch lympho sưng to > 1,5 cm (bằng 1 đầu ngón tay người lớn) hoặc có 1 hốc rò rỉ trên 1 hạch lympho. Xảy ra trong vòng 2-6 tháng sau khi tiêm vắc xin BCG, tại cùng một bên người với chỗ tiêm chủng (đa số là ở nách). Thường là tự lành và không cần điều trị. Trường hợp tổn thương dính vào da hoặc bị rò rỉ thì cần đưa đến cơ sở y tế để được phẫu thuật dẫn lưu và đắp thuốc chống lao tại chỗ.
  • Bầm tím và/hoặc chảy máu do giảm tiểu cầu thường là nhẹ và tự khỏi. Trường hợp nặng cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị thuốc steroid và truyền khối tiểu cầu.

Nếu xuất hiện một số tai biến nặng sau tiêm chủng, phải khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.


  • Sốt cao > 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng
  • Quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê 
  • Co giật 
  • Nôn trớ, bú kém, bỏ bú 
  • Phát ban 
  • Thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi 
  • Chi lạnh, da nổi vân tím

Hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.


  • Vị trí được tiêm cần phải giữ gìn sạch sẽ và khô thoáng
  • Chỉ nên sử dụng nước sạch hoặc nước ấm để làm sạch vết tiêm khi cần thiết
  • Tuyệt đối không được sử dụng chất sát trùng, thuốc mỡ hoặc kem bôi
  • Không được dùng băng dán vết thương trực tiếp lên vị trí vết tiêm chủng. Trong trường hợp cần phải băng bó thì nên sử dụng băng khô với băng dính dán dọc hai bên, cho phép không khí được lưu thông.

Tài liệu tham khảo:

1.    Bộ Y tế - Quyết định 2535/QĐ-BYT ngày 10/7/2014 về việc Ban hành “Hướng dẫn theo dõi chăm sóc, xử trí phản ứng sau tiêm chủng”.

2.    Cục Quản lý dược – Bộ Y tế 2017 “Báo cáo đánh giá đối với vắc xin ngừa lao (BCG 10 liều/ống)”

3.    Bộ môn lao 2010, Bệnh học lao, Đại học Y Hà nội, Nhà xuất bản Y học.

4.    Bộ môn lao 2012, Bệnh học lao, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Y học.

5.    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 2012 “Tờ thông tin theo dõi tỷ lệ phản ứng vắc xin, vắc xin BCG”.

6.    Word Health Organization (2015), Global tuberculosis report 2014, Word Health Organization, Geneva, Switzerland.

7.    Word Health Organization (2016), Global tuberculosis report 2015, Word Health Organization, Geneva, Switzerland.

 

Bs. Ma Duy Hảo - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

 


Câu hỏi liên quan