Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Cách phát hiện sớm Tăng huyết áp
Huyết áp là một trong bốn dấu chứng về sinh hiệu quan trọng hàng đầu của cơ thể. Huyết áp cần được đó để biết như chính số tuổi của mình.
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành động mạch. Người có sức khỏe bình thường, huyết áp là 120/80mmHg, huyết áp tối đa là 120mmHg, huyết áp tối thiểu là 80mmHg.
Huyết áp rất quan trọng cho cơ thể, đo huyết áp để biết chính xác trị số huyết áp của mình là bao nhiêu. Đo huyết áp có thể đo tại nhà, tại cơ quan y tế.
Chẩn đoán bệnh Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một trạng thái trong đó máu lưu thông dưới một áp suất tăng cao lâu dài. Tăng huyết áp được xác định là khi có huyết áp tâm thu từ 140 mm Hg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mm Hg trở lên.
Chẩn đoán tăng huyết áp cần dựa vào 3 yếu tố: Trị số huyết áp; Đánh giá cao nguy cơ tim mạch toàn thể thông qua tìm kiếm các yếu tố nguy cơ, tổn thương cơ quan đích, bệnh lý hoặc dấu chứng lâm sàng kèm theo; Xác định nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp.
Không có dấu hiệu rõ ràng để báo trước bệnh Tăng huyết áp
Với bệnh tăng huyết áp là không có triệu chứng điển hình, không có dấu hiệu rõ ràng nào để báo trước. Người bệnh thường phát hiện bị huyết áp tăng một cách tình cờ.
Có một vài triệu chứng sớm do tăng huyết áp đôi khi có thể gặp như: đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn ngủ, khó thở, tim đập nhanh, ù tai, nghe kém, nhìn thấy những đốm sáng lập loè trước mắt... Nếu những triệu chứng này diễn ra tuần tiến trong một thời gian lâu thì tăng huyết áp đã gây biến chứng lên các cơ quan như tim, não, thận, mắt hay các cơ quan thần kinh
Bệnh tăng huyết áp là không có triệu chứng điển hình, không có dấu hiệu rõ ràng nào để báo trước.
Xác định trị số huyết áp
Và để biết có tăng huyết áp hay không, thì đầu tiên là xác định trị số huyết áp. Hai giải pháp thông thường để đo huyết áp tại cơ sở y tế và đo huyết áp tại nhà.
Nếu đo huyết áp tại cơ sở y tế gần nhà như tại phòng khám, trạm y tế, thì cần phải đo mỗi ngày và đo trong 3 ngày nếu không có bệnh lý nào khác liên quan bệnh tim mạch, đái tháo đường. Thời điểm tốt nhất là đo vào buổi sáng.
Nếu đo tại nhà, cần phải đo mỗi ngày, vào buổi sáng sau khi thức dậy và đo trong 5 ngày đều cùng thời điểm vào buổi sáng. Để có thể xác định đúng trị số huyết áp của mình.
Khi đo huyết áp chúng ta cần lưu ý:
· Tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi ổn định tại chỗ trong 10 phút.
· Không dùng bia, rượu, trà, cà phê, hút thuốc lá, ăn uống thịnh soạn.
· Tư thế ngồi thẳng lưng, không bắt chéo cẳng chân, tay để ngang tim.
· Không nói chuyện, nghe điện thoại, làm việc riêng khi đo.
· Không dùng thuốc hạ huyết áp, thuốc ngừa thai,… trước đó.
Những ai cần đo huyết áp?
Tất cả chúng ta đều cần biết số đo huyết áp của mình. Đây là một thông tin hữu ích về sức khỏe của chính mình. Người ta thường gọi Tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng" do căn bệnh này diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ, không có triệu chứng, không có dấu hiệu báo trước nào tồn tại, để có thể sớm phát hiện ra. Chúng ta chỉ có thể phòng ngừa và kiểm soát được bệnh tăng huyết áp khi biết số đo huyết áp của chính mình.
BS. Phạm Văn Hưng - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố